Ấn tượng tháng nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn
05/06/2017 - 20:17
Khép lại tháng 5, tháng nghệ thuật truyền thống trong chuỗi chương trình biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã để lại nhiều ấn tượng đối với khán giả Thủ đô.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng việc các loại hình nghệ thuật truyền thống được biểu diễn ở “ngôi đền nghệ thuật” Nhà hát Lớn là vinh dự và tự hào của các nghệ sĩ. Chất lượng của các vở diễn cũng phần nào chứng tỏ nghệ thuật truyền thống xứng đáng được hiện diện tại Thánh đường nghệ thuật này.
![]() |
Hình ảnh trong vở chèo "Vương nữ Mê Linh". Ảnh: Lan Phạm |
Theo chủ trương của Bộ trưởng Nguyên Ngọc Thiện, với chủ điểm nghệ thuật truyền thống trong tháng 5, theo đó, không chỉ các nhà hát thuộc Bộ mà các nhà hát tại địa phương đã tích cực tham gia biểu diễn gồm: Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn vào tối 4 và 5/5 (Cung phi Điểm Bích, Hừng đông), Nhà hát Múa rối Việt Nam diễn vào tối 6 và 7/5 (Aladanh và cây đèn thần, Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh), Nhà hát Chèo Việt Nam diễn vào tối 24/5, 28/5 (Súy Vân, Dây tràng hạt diệu kỳ), Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn vào tối 26/5 (Hồ Quý Ly), Nhà hát Chèo Hà Nội diễn vào tối 27/5 (Vương nữ Mê Linh), Nhà hát Chèo Nam Định diễn vào tối 31/5 (Không phải là vụ án). Như vậy, các thể loại sân khấu truyền thống là cải lương, tuồng, chèo, múa rối đã lần lượt được đưa vào công diễn tại Nhà hát Lớn.
Ấn tượng mạnh mẽ nhất trong dịp công diễn này không thể không nhắc tới vở “Hừng đông” của tác giả PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ do nghệ sĩ Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn, các nghệ sĩ Quang Khải, Minh Lý, Thu Hiền, Hoàng Tùng, Minh Hải, Văn Đáng, Đức Hảo, Trần Thành… tham gia diễn xuất. Điểm mới của tác phẩm này là dù nội dung vở diễn kể về cuộc đời và sự nghiệp của người chiến sĩ Cách mạng Phan Đăng Lưu nhưng “Hừng đông” đã mạnh dạn kết hợp những yếu tố mới mẻ như màn hình led, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, cùng với âm nhạc đường phố. Chính sự “mạo hiểm” sáng tạo này đã mang đến những hiệu ứng đặc biệt đối với khán giả thủ đô. Vở diễn về đề tài Cách mạng nhưng không hề khô cứng, giáo điều.
Cùng với “Hừng Đông”, Nhà hát Cải lương Việt Nam còn giới thiệu tới công chúng tại Nhà hát Lớn vở “Cung phi Điểm Bích”. Vở diễn của tác giả cố Nhà văn Hoàng Công Khanh dưới bàn tay đạo diễn của NSND Hoàng Quỳnh Mai đã từng gây sốt cho sân khấu Thủ đô 10 năm trước đây, khi các xuất diễn đều cháy vé. Sự trở lại của “Cung phi Điểm Bích” cũng được nhiều khán giả kỳ vọng.
Bên cạnh đó, các nhà hát nghệ thuật truyền thống như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Trung ương cũng đã mang đến những vở diễn chất lượng cao, đã tạo dựng nên tên tuổi của các nhà hát trước đây. Tuy nhiên, với yêu cầu tự làm mới mình, các nhà hát đã cố gắng truyền lửa cho thế hệ diễn viên trẻ qua đó mang đến những góc nhìn mới cho từng vai diễn.
![]() |
Diễn viên trẻ Đoàn Mai Hoa trong "Cung phi Điểm Bích". Ảnh: Minh Khánh |
![]() |
Đông đảo khán giả thủ đô tới xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Ảnh: Minh Khánh |
Dấu ấn từ dàn diễn viên trẻ tài năng
Đội ngũ diễn viên trẻ tài năng, sáng tạo không ngừng, với những vở diễn đầu tư công phu chính là điểm nhấn tạo sức hút khán giả tới với các vở diễn tại Nhà hát Lớn trong tháng 5 này. Dù không “nườm nượp” như những show diễn hiện đại, nhưng những khán giả tới thưởng thức các đêm diễn đều là những khán giả trung thành, và có tình yêu lớn với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Do đó, những vở diễn phải có chất lượng cao, có sáng tạo, có tính chuyên nghiệp mới có thể làm hài lòng những khán giả “khó tính” này.
Như trong vở “Vương nữ Mê Linh”, Nhà hát Chèo Hà Nội đã mạnh dạn đưa dàn diễn viên trẻ tài năng đảm nhận vai chính như NSƯT Hoài Thu (vai Trưng Trắc), NSƯT Thảo Quyên (vai Trưng Nhị), Quốc Phòng (vai Thi Sách), NS Quang Dương (vai Thi Sơn)…, cùng sự diễn xuất của những nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Quốc Anh (vai Tô Định), NSƯT Đức Thuận (Sầm Đan) và NSƯT Minh Nhan (Mụ Khỏe). Đây cũng là thách thức đối với đạo diễn, NSND Thúy Mùi khi đưa NSƯT Hoài Thu và NSƯT Thảo Quyên vốn quen với các vai diễn tiểu thư ủy mị vào vai nữ tướng.
Bên cạnh những mẫu mực của chèo cổ, nét tươi mới của chèo hiện đại do các nghệ sĩ trẻ thể hiện đã mang tới một vở diễn giàu tính nghệ thuật, đa sắc màu. Chèo đã không chỉ là những giai điệu í a, í à, quần áo nâu sồng nữa mà đầy sức sống, hơi thở hiện đại từ cách hát, đến các yếu tố phụ trợ như phục trang, ánh sáng, đạo cụ…, NSND Thúy Mùi cho biết.
Hay trong vở “Cung phi Điểm Bích”, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã thử sức nghệ sĩ trẻ Đoàn Mai Hoa khi để cô vào vai cung phi Điểm Bích, một trong những vai diễn gắn với tên tuổi của NSƯT Thanh Thanh Hiền. Thể hiện thành công một Điểm Bích tươi trẻ, khao khát yêu thương, Điểm Bích của Mai Hoa như làn gió mới thổi vào vai diễn nặng ký này.
“Hừng đông” lại mang đến những hơi thở nghệ thuật đầy sáng tạo qua việc xây dựng tuyến nhân vật trẻ trở thành những người dẫn dắt câu chuyện từ hiện tại trở về quá khứ kết hợp với sự đầu tư về hệ thống thiết bị cùng sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống và âm nhac hiện đại. Điều đó không chỉ làm mới cho diện mạo tác phẩm mà còn thể hiện một ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc giáo dục và giúp các bạn trẻ tiếp cận với lịch sử và nghệ thuật dân tộc.
Nghệ thuật truyền thống xứng đáng biểu diễn tại Nhà hát Lớn
Nối tiếp thành công của chuỗi những tác phẩm nghệ thuật truyền thống đã biểu diễn tại Nhà hát Lớn trước đó, các vở diễn được công diễn trong tháng 5/2017 một lần nữa góp phần khẳng định thương hiệu Nhà hát Lớn Hà Nội – không gian văn hóa sang trọng bậc nhất của Thủ đô, địa chỉ đỏ để khán giả Việt Nam và quốc tế thưởng thức các chương trình nghệ thuật, các tác phẩm sân khấu tiêu biểu do nghệ sĩ Việt Nam và thế giới biểu diễn. Từ nghệ thuật biểu diễn, khán giả trong nước và quốc tế sẽ hiểu sâu sắc hơn, trân trọng hơn những tinh hoa văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các thế hệ đã tích tụ, bồi đắp theo chiều dài lịch sử dân tộc.
“Tôi rất kỳ vọng nhà nước và thành phố nhất là các đoàn nghệ thuật duy trì, tổ chức biểu diễn thường xuyên ở Nhà hát Lớn để quảng bá văn hóa Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống cho nhân dân Thủ đô thưởng thức”, ông Nguyễn Văn Giang - xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ để giới thiệu nghệ thuật truyền thống tới công chúng thủ đô, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống còn là phương tiện truyền tải giúp khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ hiểu sâu thêm về một giai đoạn lịch sử nhất định của đất nước.
“Chủ trương đưa các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật truyền thống vào Nhà hát Lớn là rất cần thiết. Thế hệ trẻ ngày nay tiếp xúc với nhiều cái mới nhưng đồng thời cũng phải ôn lại quá khứ. Cái quá khứ ấy muốn ôn lại dễ nhất chính là qua các vở diễn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương", cô Dương Thị Hải - Nguyên cán bộ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết.
Công diễn những tác phẩm nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn cũng là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống.
Bài viết khác
Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố các Quyết định bổ nhiệm ngạch Chuyên viên chính: Khẳng định năng lực, tinh thần cống hiến
07/05/2025 - 16:01
Sáng ngày 7/5/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn đã diễn ra Lễ công bố các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ nhiệm và xếp lương ngạch Chuyên viên chính đối với bốn công chức thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn.
XÚC ĐỘNG NHÌN LẠI CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐẶC SẮC “MÙA XUÂN THỐNG NHẤT” - DẤU SON KHÉP LẠI CHUỖI HÀNH TRÌNH TỎA SÁNG
03/05/2025 - 13:00
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất” vào tối 29/4 tại TP.HCM, đã diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động và đầy tự hào.
KHÁT VỌNG HÒA BÌNH VÀ LÒNG KIÊU HÃNH CỦA DÂN TỘC TẠI LỄ KỶ NIỆM TRỌNG THỂ 50 GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
30/04/2025 - 16:31
Lễ kỷ niệm và diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp tri ân chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 mà còn là lời khẳng định hùng hồn về tầm vóc lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hành trình giành lại độc lập, tự do và thống nhất non sông. Đây cũng là dịp phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
30/04/2025 - 08:45
Sáng nay 30.4, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).
Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật “Mùa xuân thống nhất” tại TP.HCM
29/04/2025 - 22:34
Tối 29.4, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất”. Chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND TP.HCM tổ chức.
Hùng tráng chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam”
23/04/2025 - 05:48
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối 22.4, Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” với sân khấu thực cảnh lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.