Ấn tượng đêm nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng"

15/07/2023 - 16:55  

Tối ngày 13/7/2023, G'LAMS đã tổ chức thành công buổi nhạc kịch mang tên "Người tìm nơi sóng lặng" tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn khán giả yêu thích nhạc kịch.

Đây là hoạt động thường niên của G'LAMS - dự án nhạc kịch được tổ chức bởi Thôn Nghệ thuật Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, gồm ba câu lạc bộ Glee Ams, Cheer Ams và Ams Photography Club.

Với đơn vị tổ chức gồm hơn 100 học sinh cấp 3 có chung niềm đam mê nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội, G’LAMS không chỉ là một vẻ đẹp mê hoặc của nhiệt huyết tuổi trẻ dưới ánh đèn sân khấu, mà còn là món ăn tinh thần không thể bỏ lỡ mỗi mùa hè dành cho những người yêu nghệ thuật.

Nối tiếp sự thành công rực rỡ từ các mùa trước, G’LAMS 2023 chính thức trở lại với sự kết hợp cùng "Một Buổi Nhạc Kịch" - chương trình nhạc kịch do Đoàn thanh niên - Hội sinh viên trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức.

Và giờ đây, tấm màn G’LAMS x Một Buổi Nhạc Kịch 2023 đã chính thức được mở ra với vở nhạc kịch mang tên "Người tìm nơi sóng lặng" cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các bạn học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Buổi nhạc kịch được đầu tư công phu và tỉ mỉ, mang đến cho người xem vô vàn cảm xúc chân thực giúp khán giả hòa mình vào giai đoạn của những năm tháng xưa cũ, mãn nhãn với hình ảnh chỉn chu, đầy màu sắc cuộc sống.

Ấn tượng đêm nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng" - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng"

"Người tìm nơi sóng lặng" ghi dấu ấn với những ca khúc, vũ đạo do chính các học sinh, sinh viên tự mình phổ lời và biên soạn. Điểm nhấn của buổi diễn chính là kịch bản sân khấu lôi cuốn, kỹ năng biểu diễn linh hoạt cũng như nội dung mang đầy thông điệp nhân văn sâu sắc.

Các học sinh, sinh viên tham gia buổi nhạc kịch đều là những diễn viên không được đào tạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, qua các vòng casting cẩn thận, ban tổ chức đã lựa chọn được các thành viên ưu tú, sở hữu nhiều tài năng nổi bật và yêu thích nghệ thuật biểu diễn.

Ấn tượng đêm nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng" - Ảnh 2.

Buổi nhạc kịch được đầu tư công phu từ trang phục đến đạo cụ biểu diễn trên sân khấu

Lấy bối cảnh làng chài Việt Nam những năm 1980, câu chuyện mà vở nhạc kịch G’LAMS x Một Buổi Nhạc Kịch 2023 muốn truyền tải khai thác bối cảnh thời kỳ hậu chiến là một cuộc chiến đầy đau đớn và xót xa khác, khi hai cuộc chiến tranh bom đạn khốc liệt nhất của dân tộc đã kết thúc thắng lợi. Đó là cuộc chiến diễn ra sục sôi trong nội tâm con người khi đối mặt với cuộc sống mới, không chỉ tìm lại những người thân yêu, tìm lại cuộc sống bình yên xưa, mà còn là tìm lại chính bản ngã của mình.

Ấn tượng đêm nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng" - Ảnh 3.

Bạn Nguyễn Bảo Ngọc - Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội xuất sắc trong vai Hiền của vở nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng"

Ấn tượng đêm nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng" - Ảnh 4.

Bạn Đặng Vũ Ngọc Mai - Học sinh chuyên Sử trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam hoá thân vào vai cô giáo Hoà rất thanh khiết và đầy cảm xúc

Xoay quanh hành trình Hiền - người phụ nữ 40 tuổi sống tại một làng chài ven biển đi tìm lại người em gái tên Hòa đã bị thất lạc trong chiến tranh, cùng câu chuyện của 4 nhân vật chính khác như Quyết, Xuân, Tuấn và Thư.

Ấn tượng đêm nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng" - Ảnh 5.

Bạn Thang Tuấn Vinh - Học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam thể hiện vai Tuấn đầy day dứt trong vở nhạc kịch

Mỗi nhân vật ở làng chài ấy sẽ là một hiện thân đầy xót xa của hội chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Posttraumatic stress disorder - PTSD), từng được gọi với cái tên là "Sốc vỏ đạn" (shell shock) hoặc "Hội chứng mệt mỏi sau chiến tranh" (Battle fatigue syndrome). Tên gọi này là do PTSD thường gặp ở rất nhiều trong cựu quân nhân sau chiến tranh, khi đã trải qua những chấn động về sức khỏe tinh thần trong cuộc chiến khốc liệt năm xưa.

Dù chịu ảnh hưởng tâm lý vì tác động của chiến tranh nhưng trong mỗi nhân vật đều khát khao yêu thương và hạnh phúc. Họ đều tìm thấy những nụ cười sau những đau thương, mất mát.

Từ đó, vở nhạc kịch không chỉ muốn mang đến cho khán giả hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam, mà còn là liều thuốc tinh thần chữa lành cho những ai đang mắc kẹt giữa những lo âu và ám ảnh của bản thân. Bởi mỗi người đều phải trải qua những năm tháng "sóng dữ" - để tìm thấy những "sóng lặng" của riêng mình.

Ấn tượng đêm nhạc kịch "Người tìm nơi sóng lặng" - Ảnh 6.

Kịch bản được xây dựng gắn liền với cuộc sống thường nhật, gửi gắm nhiều ý nghĩa giá trị

Sự chỉn chu trong từng khâu chuẩn bị, từ ánh sáng, âm thanh, trang phục cho đến phần diễn xuất, vũ đạo của các bạn học sinh, sinh viên đã góp phần tạo nên một buổi biểu diễn đáng nhớ. Bắt mắt về hình ảnh, thu hút về âm thanh, đặc sắc cùng lối diễn xuất tự nhiên đã tạo ra nhiều dư âm trong lòng khán giả. Một lần nữa, dự án nghệ thuật G’LAMS đã để lại dấu ấn sâu đậm trên diễn đàn học sinh trong thể loại nhạc kịch broadway.

Theo Báo Tổ quốc

Bài viết khác

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

07/03/2024 - 10:59

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10

06/03/2024 - 15:38

Nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10.

Đảm bảo Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra thực sự ý nghĩa, ấn tượng, trang trọng và chuyên nghiệp

05/03/2024 - 21:59

Sáng 5/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức tổng duyệt Chương trình nghệ thuật tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.