93 tác phẩm xuất sắc giành Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2023

31/01/2024 - 23:16  

Ngày 31.1 tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức gặp mặt mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 và Tổng kết giải thưởng âm nhạc năm 2023.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát biểu

Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam được tổ chức thường niên nhằm vinh danh các nhạc sĩ, nghệ sĩ có sáng tạo âm nhạc xuất sắc trên các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, đào tạo. Qua đó, giải thưởng góp phần động viên, khuyến khích các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, nhà giáo âm nhạc tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà nói riêng và nền văn học nghệ thuật cả nước nói chung. Đây cũng là cơ sở để tiến tới những giải thưởng cao hơn của Đảng, nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, năm 2023, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có nhiều hoạt động quan trọng, tạo dấu ấn đậm nét trong âm nhạc. Hội đã tổ chức thành công Liên hoan Âm nhạc toàn quốc 2 đợt tại An Giang và Hà Giang, đồng thời phối hợp tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác âm nhạc thu hút sự tham gia đông đảo và chất lượng của các nhạc sĩ.

Thay mặt Hội đồng xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2023, PGS. TS Đỗ Hồng Quân đánh giá về nội dung các tác phẩm 

Đặc biệt, Hội đã tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh các nhạc sĩ Văn Cao, Trọng Loan, Xuân Oanh… Trong đó, chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao được bình chọn là một trong 10 sự kiện văn học, nghệ thuật tiêu biểu năm 2023…

Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2023, thu hút 275 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam trên cả nước dự thi với 275 tác phẩm, gồm các thể loại. Trong đó, thể loại thanh nhạc có 209 tác phẩm; ca khúc thiếu nhi có 23 tác phẩm; giao hưởng 3 tác phẩm; thính phòng (độc tấu, tứ tấu, hòa tấu nhạc cụ) có 14 tác phẩm; hợp xướng và acapella có 6 tác phẩm; ca khúc nghệ thuật có 4 tác phẩm; chương trình biểu diễn có 7 chương trình; công trình lý luận có 9 công trình, gồm sách nghiên cứu, sách biên soạn và sưu tầm, các tập bài báo về âm nhạc.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân Trao giải A cho các tác giả

Nói về Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng nhấn mạnh, đây là hoạt động nhằm vinh danh các nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng những sáng tạo âm nhạc xuất sắc trên các lĩnh vực: sáng tác, Biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo. Qua đó tiếp tục động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, nhà giáo âm nhạc tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà nói riêng và nền văn học nghệ thuật của đất nước nói chung.

Các tác giả nhận Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: Đình Trung.

“Thông qua các giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng là sự tích lũy những thành tích sáng tạo nghệ thuật của mỗi nhạc sĩ, nghệ sĩ làm cơ sở tiến tới những giải thưởng cao hơn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật”, PGS.TS Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Thay mặt Hội đồng xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2023, PGS.TS Đỗ Hồng Quân đánh giá, về thể loại Khí nhạc (Giao hưởng, Thính phòng, Hòa tấu, Hợp xướng, Romance, chương trình DVD), nhìn chung có một số tổng phổ viết chưa đạt, còn lỗi vì chưa hiểu kỹ về dàn nhạc giao hưởng và tính năng nhạc cụ. Một số tác phẩm phối các bè lỏng, chênh hòa thanh, hoặc xếp bè rỗng, hòa thanh chủ yếu đồng âm. Có tác phẩm thiếu tính khí nhạc, có tính tương phản, nhưng hiệu quả còn thấp, âm hình trì tục, đơn giản. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm được sáng tác khá chắc tay trong bút pháp. Trong đó, có tác giả trẻ đã mạnh dạn viết theo ngôn ngữ phóng khoáng, kết hợp đa dạng, có động lực sáng tạo, tìm tòi, thể hiện tính độc lập, tự tin, tuy vậy hiệu quả chưa thực sự cao như tác phẩm Divergent (Chamber Orchestra).

Về thể loại như Hợp xướng, ca khúc nghệ thuật thì chủ yếu là đồng ca, khi là ca khúc có bè giai điệu chưa có chủ đề rõ ràng để phát triển. Một số tác phẩm cấu trúc không rõ ràng, với lối viết quá cũ, melodi cứng, tiết tấu đơn giản, thiếu cảm xúc (âm nhạc trên máy) rất khó có thể phát triển và tồn tại trong khí nhạc đương đại. Có một số tác phẩm đương đại nhưng chưa rõ về hình tượng âm nhạc, thiếu tính chuyên nghiệp. Một số tác phẩm cần điều chỉnh phần đệm piano cho Romance và không cần phải thay đổi màu sắc của nhạc cụ khác trong tác phẩm. Một số tác phẩm Acapella chưa phát huy giọng hát của các bè là để hỗ trợ đan xen nhau, thay vào đó là dùng giọng hát thay cho phần đệm của nhạc cụ…

Đối với chương trình nghệ thuật biểu diễn DVD chủ yếu để phục vụ truyền hình, phóng sự truyền hình, chưa đúng tinh thần chương trình biểu diễn âm nhạc. Ngoài ra một số đề tài có tính dân tộc, đậm nét âm nhạc truyền thống, biết tìm tòi cái mới mẻ, có sự kết hợp khá tốt giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống, biết kế thừa nguồn gốc âm nhạc cha ông, tiếp thu một cách có chọn lọc những bút pháp, những thành tựu của âm nhạc thế giới, nhưng còn hạn chế về hòa âm, phối khí, tạo hiệu quả với thể loại nhạc không lời.

Tiết mục biểu diễn tại lễ Tổng kết

Về thể loại Thanh nhạc, số lượng bài năm nay nhiều thể hiện hoạt động chuyên môn rất tích cực, tác phẩm ở nhiều đề tài khác nhau, ca ngợi Bác Hồ, quê hương đất nước, các chiến sĩ nơi hải đảo. Tuy nhiên lĩnh vực ca khúc thiếu nhi chưa có nhiều tác phẩm cần quan tâm hơn nữa.

Ngôn ngữ âm nhạc có nhiều ý tưởng sáng tạo, các nhạc sĩ có nhiều đầu tư cho tác phẩm của mình về phối khí, ca sĩ rất công phu, có hiệu quả cao, có nhiều tìm tòi sáng tạo mới trong ngôn ngữ âm nhạc cũng như đặt vấn đề về chủ đề và nội dung. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nhạc sĩ đi theo lối sáng tạo cũ, chưa có tìm tòi mới trong sáng tạo nghệ thuật, một số tác phẩm phổ thơ chạy theo lời, hát thơ chưa có sự cô đọng, toát lên ý tưởng tư duy và ngôn ngữ âm nhạc của mình.

Về công trình Lý luận phê bình, số lượng công trình, tác phẩm dự thi còn ít hơn so với năm trước. Tuy nhiên có nhiều sách nghiên cứu, biên soạn và sưu tầm. Các bài báo chủ yếu là phê bình âm nhạc, không có bài báo về nghiên cứu lý luận. Chất lượng công trình tác phẩm dự thi đảm bảo tiêu chí xếp hạng, nhiều sách nghiên cứu chuyên sâu, phê bình âm nhạc, giới thiệu di sản âm nhạc truyền thống, chân dung tác giả, tác phẩm…

Để có nhiều thành công hơn cho mùa giải năm sau, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lưu ý, các tác giả nên có sự chăm chút nhiều hơn nữa cho tác phẩm ở khâu biên tập, văn bản hóa, phối hợp các phòng thu để phối khí... Đặc biệt, cần chú trọng khâu lựa chọn ca sĩ phù hợp để thể hiện tác phẩm, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng tác phẩm.

Trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam 2023: Thiếu vắng ca khúc thiếu nhi ảnh 2

Các tác phẩm đoạt giải khai thác nhiều đề tài khác nhau, nhưng lĩnh vực ca khúc thiếu nhi chưa có nhiều dấu ấn.

Sau quá trình làm việc nghiêm túc, khoa học, kỹ lưỡng và công tâm, Hội đồng xét giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn ra được những công trình, tác phẩm có chất lượng tốt nhất để trao giải.

Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã trao 5 giải A, 26 giải B, 30 giải C, 27 giải Khuyến khích và 5 chương trình biểu diễn xuất sắc cho các tác phẩm có chất lượng. Hợp xướng “Dáng đứng Ấp Bắc” của tác giả Chung Hữu Phú (Bến Tre) giành "cú đúp" khi vừa nhận giải A Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2023, vừa nhận Giải của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2023.

Mảng ca khúc có 3 giải A: “Lửa tình hoang sơ”- Sỹ Thắng (Hà Nam); “Gọi gió” - Hồ Trọng Tuấn (Hà Nội); “Thênh thang trên con đường mới” - Phạm Anh Thông (Hà Nội); cùng 14 giải B, 17 giải C và 17 giải Khuyến khích.

Ca khúc thiếu nhi có 1 giải A (“Cánh én nhỏ bay tới đảo xa” - Văn Thành Nho (Thành phố Hồ Chí Minh); 3 giải B và 4 giải C.

Ở mảng khí nhạc, thể loại giao hưởng có 2 giải C, 1 giải Khuyến khích; thể loại thính phòng có 3 giải B, 2 giải C, 4 giải Khuyến khích; thể loại hợp xướng có 1 giải A (“Dáng đứng Ấp Bắc”), 1 giải B, 1 giải C, 1 giải Khuyến khích; thể loại ca khúc nghệ thuật có 1 giải B, 1 giải C, 2 giải Khuyến khích; cùng với đó là 5 giải Chương trình biểu diễn nghệ thuật xuất sắc.

Ở mảng lý luận, lĩnh vực sách chuyên khảo và nghiên cứu có 2 giải B, 1 giải C, 1 giải Khuyến khích; lĩnh vực sách biên soạn, sưu tầm có 1 giải B, 1 giải C; lĩnh vực báo chí có 1 giải B, 1 giải C, 1 giải Khuyến khích.

TH

 

 

 

 

 

Bài viết khác

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024

25/04/2024 - 21:10

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị Tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024 .

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024

09/04/2024 - 15:47

Sáng 9-4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 và phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong các nhà trường quân đội.

Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2024

08/04/2024 - 16:06

Chiều ngày 5/4, Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Hội nghị công chức, người lao động Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2023

27/03/2024 - 16:56

Ngày 27/03/2024, tại trụ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Hội nghị công chức, người lao động năm 2023.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

08/03/2024 - 10:11

Sáng ngày 8/3 Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Ngày hội Phụ nữ, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/3/1910 - 08/3/2024.)

Nghệ sĩ hân hoan đón nhận danh hiệu NSND và NSƯT

07/03/2024 - 11:13

Sáng 6/3, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đích thân trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Đây là những danh hiệu cao quý để tôn vinh cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật nước nhà thông qua các tác phẩm, công trình nghệ thuật có sức lan tỏa, có tác động xã hội lớn.