Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Âm nhạc phải được sự đồng cảm của công chúng
29/01/2015 - 14:47
(NTBD) - Mỗi ca khúc về Đảng là một món quà ý nghĩa thể hiện sự trân trọng, biết ơn của mỗi nhạc sĩ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Với ba ca khúc nổi tiếng: Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng; Đảng đã cho ta một mùa xuân; Màu cờ tôi yêu, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nhận được sự trân trọng của công chúng. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. |
* Phóng viên: Khi nói tới các ca khúc viết về Đảng thì nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn là người được công chúng nhắc nhớ đầu tiên. Ông chia sẻ gì về mảng đề tài lớn này?
Nhạc sĩ PHẠM TUYÊN: Khi viết những bài hát này, tôi không nghĩ rằng mình viết theo đề tài chính luận hay gì khác mà viết theo tình cảm. Âm nhạc là tiếng nói của tình cảm. Trước đây, ông Trần Lâm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, trước khi nghe nhạc của tôi thường nói: “Này, âm nhạc không nói dối được đâu, tình cảm thế nào sẽ thể hiện như vậy qua âm nhạc”. Bất ngờ là đầu năm 2000, theo bình bầu của thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam dành cho những ca khúc hay nhất về Đảng thì có 3/10 bài của tôi. Có lẽ những bài hát đó đã nhận được sự đồng cảm, đáp ứng được tình cảm của nhân dân. Tôi viết không phải để đứng lên hô hào mà là cách để bày tỏ tình cảm của mình đối với đất nước.
Trong bài hát Màu cờ tôi yêu, dù không nhắc đến từ Đảng nhưng mỗi câu hát đều tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng, chứa chan tình yêu với Đảng?
- Màu cờ tôi yêu được viết nhân kỷ niệm thành lập Đảng năm 1980, bài này tạm gọi là bài cuối cùng tôi viết mừng sinh nhật Đảng. Lần đó vào TPHCM, gặp nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, hai anh em bàn nhau là sắp đến sinh nhật của Đảng nên có bài gì? Cuối những năm 70 đầu 80, trước thời kỳ đổi mới, lúc ấy viết về Đảng rất khó vì nhìn xung quanh có nhiều hiện tượng tiêu cực quá. Tôi bàn với anh Tuyền, anh ấy cũng bảo là rất khó khăn, nhưng khó khăn thì phải động viên mọi người, hai anh em tự nhủ với nhau như vậy. Trên đường rời TPHCM, Diệp Minh Tuyền tiễn tôi và nói em có viết mấy câu lục bát và gửi cho tôi xem có thể phổ biến được không. Khi lên máy bay tôi mới mở thơ ra đọc và thấy đây đúng là tâm tư của chúng tôi, đúng là tình cảm của những người tâm huyết với việc xây dựng Đảng. Về tới Hà Nội, tôi phổ nhạc luôn bài đó. Đây là bài thơ lục bát của người vừa làm thơ vừa làm nhạc nên rất dễ hát. Màu cờ tôi yêu, cả bài hát không hề có chữ Đảng nhưng đó là những lời tâm can dành cho Đảng.
Không chỉ thành công với những ca khúc viết về Đảng mà nhiều ca khúc của ông đã ghi dấu ấn với những sự kiện lịch sử lớn của đất nước?
- Có nhiều người nói với tôi rằng: Tôi chính là một nhà báo khi thể hiện các tác phẩm báo chí qua âm nhạc và thông điệp âm nhạc có tính báo chí mạnh mẽ, nhất là bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Nhà thơ Bế Kiến Quốc lúc còn sống cũng có lần chia sẻ rằng những bài hát của tôi là cột mốc về lịch sử, là biên niên sử bằng âm nhạc. Anh dẫn chứng rằng: Văn Cao có Tiến quân ca, Đỗ Nhuận có Giải Phóng Điện Biên, Lưu Hữu Phước có Giải phóng Sài Gòn còn Phạm Tuyên là bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Khi đó, tôi cũng trả lời rằng không dám nhận lời khen ấy song tôi cảm ơn môi trường báo chí, chính nó đã khiến tôi khác với một số nhạc sĩ khác. Họ thiên về tình cảm riêng tư, không có gì sai nhưng có được sự đồng cảm của mọi người thì phải tiếp nhận vấn đề chung của đất nước nhiều hơn.
Bạn hỏi tại sao tôi viết nhiều bài liên quan tới sự kiện, tôi cho rằng đó là môi trường. Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới… cũng ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Sáng ngày 17-2-1979, ngay sau khi nghe tin quân Trung Quốc đổ bộ xuống biên giới nước ta, lòng tôi rộn lên cảm xúc khó tả, và những câu đầu tiên trong bài Chiến đấu vì độc lập tự do được bật lên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”… Nó như ngọn lửa sục sôi với mong muốn từng người dân nước Việt hãy đứng lên bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc mình.
Ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng cũng ra đời nhờ những cảm xúc của tác giả khi làm việc trong môi trường báo chí?
- Hồi đó tôi là Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Đầu tháng 4-1975, anh Trần Lâm, Giám đốc đài, dặn, sắp có chiến thắng lớn rồi, mời một số nhạc sĩ viết tác phẩm hoành tráng chuẩn bị đón chào. Tôi cũng chuẩn bị viết một hợp xướng 4 chương nhưng cứ ngồi vào đàn là thấy lý trí quá, không viết được, lại tiếp tục theo dõi tin tức. Tối 28-4, bản tin 7 giờ rưỡi tối phát: Có một phi công ngụy ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Về sau mọi người biết đó chính là Anh hùng Nguyễn Thành Trung của chúng ta. Thế là chắc chỉ còn vài hôm nữa là giải phóng Sài Gòn thôi! Trong đầu tôi nảy ra hình dung: Giải phóng, nhà nhà, người người sẽ đổ ra đường, mình phải góp tiếng reo vui của mọi người và cũng là của mình. Mấy chục năm theo kháng chiến, lúc nào mình chẳng mong ngày đó. Tôi ngồi vào đàn, bỗng nhớ câu thơ của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tôi viết ngay điệp khúc trước: “Việt Nam Hồ Chí Minh”, sau đó viết từ đầu: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.
Chưa có bài hát nào đến với công chúng nhanh như vậy! Đến tận lúc này tôi luôn thấm thía rằng khi tình cảm của người sáng tác bộc lộ chân thành, phù hợp với đông đảo mọi người thì nó sẽ có được sự cộng hưởng. Đó là phần thưởng cho người sáng tác.
Nguồn: SGGP
Bài viết khác
95 năm - Ánh sáng soi đường: Bản giao hưởng của niềm tin, lòng tự hào và khát vọng vươn lên
04/02/2025 - 09:35
Tối 3/2/2025, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội, đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Chùm ảnh: Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “95 năm - Ánh sáng soi đường”
04/02/2025 - 02:51
Tối 3/2, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hà Nội), đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới với chủ đề "95 năm - Ánh sáng soi đường", chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.
GẶP MẶT CÁN BỘ HƯU TRÍ CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN NHÂN DỊP XUÂN ẤT TỴ 2025
20/01/2025 - 12:59
Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng ngày 20/01/2025, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn diễn ra buổi gặp mặt cán bộ hưu trí trong không khí ấm áp, nghĩa tình. Đây là dịp để tri ân các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Cục sum vầy, chia sẻ những kỷ niệm và cùng hướng về một năm mới tràn đầy hy vọng.
Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật
09/01/2025 - 06:20
Tối 11.1 tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, không chỉ nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể xuất sắc mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm nghệ thuật và văn học.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sĩ cần chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật
31/12/2024 - 06:00
Chiều ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ toàn quốc.
Chùm ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ
31/12/2024 - 04:09
Chiều 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ.