"Đường về phương Nam": Nghiên cứu mới về đờn ca tài tử và cải lương
30/01/2025 - 23:56
Tác phẩm "Đường về phương Nam: Nghiên cứu mới về đờn ca tài tử và cải lương" của tác giả Nguyễn Lê Tuyên, là tâm huyết tìm tòi của ông nhằm mở ra nhiều khía cạnh, những điểm sáng đưa đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương vang danh khắp nơi, mở ra thời kỳ vàng son.
Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, dày 116 trang, gồm 9 bài viết như: Quan hệ văn hóa Việt - Pháp đầu thế kỷ XX; qua sự kiện Triển lãm Toàn cầu năm 1900; Nhà nhạc học Julien Tiersot và đờn ca tài tử; Dạ cổ hoài lang: Sự chín muồi của một ý thức sáng tạo mới; Sài Gòn và thời kỳ phôi thai của cải lương; Kỷ niệm một trăm năm cải lương: Góc nhìn từ Paris 1931; Radio Saigon: phát sóng âm nhạc Nam bộ ra thế giới; Phùng Há - "Ngôi sao vô địch nước Nam" trong Bảo tàng Nhân loại; Báu vật Nam bộ "Vọng cổ hoài lang" trong Bảo tàng Pháp; Thuật ngữ Tài tử.
Nghệ thuật cải lương ra đời ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XX và đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Từ thời kỳ đỉnh cao vào những năm 1930 đến 1960, khi các vở tuồng cải lương thu hút hàng vạn khán giả đến các rạp hát lớn ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận, cải lương đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người miền Nam. Tuy nhiên, từ sau năm 1975, loại hình nghệ thuật này bắt đầu suy giảm dần trước sự cạnh tranh với các hình thức giải trí mới. Năm 2013, UNESCO công nhận đờn ca tài tử là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghệ thuật sân khấu cải lương được kế thừa và phát triển từ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, gần đây, đã được nhìn nhận lại như một di sản văn hóa quý giá, với nhiều nỗ lực qua các chương trình truyền hình và các dự án bảo tồn. Nghệ thuật cải lương không chỉ là một hình thức giải trí, mà còn là một phương tiện phản ánh đời sống xã hội và tâm hồn người dân Nam bộ. Nghệ thuật cải lương có thể xem như là một viên ngọc quý của nền văn hóa Việt Nam.
Bìa cuốn "Đường về phương Nam"
Phát hiện đáng chú ý nhất được trình bày trong cuốn sách là buổi trình diễn cải lương đầu tiên ở Paris vào năm 1931, cùng với sự kiện đờn ca tài tử được giới thiệu trong khuôn khổ của Hội chợ Triển lãm Toàn cầu năm 1900 tại Paris. Những sự kiện này không chỉ chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật truyền thống Việt Nam ra thế giới mà còn khẳng định giá trị nghệ thuật và văn hóa của chúng ta trong mắt bạn bè quốc tế.
Chúng ta chưa thể lãnh hội trọn vẹn vẻ rực rỡ của viên ngọc quý cải lương. Đa số chúng ta, khán thính giả, chỉ tiếp cận những tuồng cải lương với ngôn từ có phần cổ lệ, mà chưa thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa đích thực của nó. Vì vậy mà, chúng ta chưa đánh giá đúng mức giá trị đích thực của cải lương trong di sản văn hóa Việt Nam. Cuốn sách này mở ra một cánh cửa mới, giúp chúng ta khám phá cải lương một cách phong phú hơn, qua những phát hiện mới, nhận thức mới và những tư liệu chưa từng được biết đến.
Cuốn sách nhỏ này cũng làm thay đổi cách chúng ta nhận thức về đờn ca tài tử. Chẳng hạn như danh từ "tài tử", không đơn thuần chỉ những người nghệ sĩ bán chuyên nghiệp mà là những người có tài năng thực sự trong việc truyền tải và gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống. Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh sự quan trọng của việc hiểu và đánh giá đúng mức những đóng góp của các nghệ sĩ trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian.
Những hình ảnh và thông tin trong sách còn là một nguồn tài liệu quý báu cho các nhà nghiên cứu trẻ và những người yêu mến nghệ thuật truyền thống. Qua những tư liệu mới được phát hiện, tác giả góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau tiếp nối và phát huy giá trị của nó. Cuốn sách này, được viết một cách nghiêm cẩn và với lòng tôn trọng sâu sắc đối với di sản, mở ra những khám phá mới mẻ, chiếu rọi không chỉ lịch sử mà còn cả tâm hồn của loại hình nghệ thuật này.
Bìa sách dịp Tết của NXB Tổng hợp TP.HCM
Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên ngoài chuyên môn là nhà giáo dục chuyên ngành âm nhạc, còn là một người yêu quý nghệ thuật cải lương. Ông mang đến một số nghiên cứu mới về đờn ca tài tử và cải lương. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn (Giáo sư xuất sắc Đại học Công nghệ Sydney và Đại học New South Wales Australia) nhìn nhận: "Anh Nguyễn Lê Tuyên - người trí thức được đào tạo ở phương Tây, dùng kiến thức mới và kỹ năng tân tiến để góp phần nâng cao sự hiện diện của khoa học và nghệ thuật Việt Nam. Tốt nghiệp Tiến sĩ Âm nhạc từ Đại học Quốc gia Australia, một đại học danh giá nhất của Úc, anh đã dành nhiều thời gian trong sự nghiệp để nghiên cứu về âm nhạc cổ điển phương Tây. Ấy vậy mà trong vòng 10 năm qua, anh xoay hướng và dành nhiều thời gian để nghiên cứu về cải lương và đờn ca tài tử. Với những phương pháp khoa học và kỹ năng được đào tạo từ phương Tây, anh đã không ngừng tìm tòi và khám phá những giá trị nghệ thuật sâu sắc của cải lương. Những phát hiện, kiến giải của anh giúp cho người đọc hiểu biết hơn, trân quý hơn nghệ thuật cải lương."
"Ngọn lửa ý thức sáng tạo ở đầu thế kỷ XX hình như vẫn tiềm ẩn chưa bao giờ tắt trong trái tim, khối óc của Nam bộ và tiếp tục phát huy các di sản văn hóa thành những giá trị mới. Trải qua một trăm năm, ý thức đó vẫn luôn tồn tại trong quá trình phát triển Dạ cổ hoài lang, trở thành một di sản hiện hữu đa dạng trong hàng ngàn bài ca vọng cổ được trình diễn và thưởng thức bởi nhiều tầng lớp xã hội trong và ngoài nước đến ngày hôm nay." – Trích Dạ cổ hoài lang: Sự chín muồi của một ý thức sáng tạo mới.
Cuốn sách "Đường về phương Nam" mà Nguyễn Lê Tuyên gửi đến quý độc giả, thay lời cảm ơn đến những nghệ sĩ đã và đang cống hiến hết mình cho nghệ thuật cải lương, những con người kết nối quá khứ và hiện tại, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa này.
![](https://toquoc.mediacdn.vn/280518851207290880/2025/1/30/20250122121558-17382246849901124862375.jpg)
![](https://toquoc.mediacdn.vn/280518851207290880/2025/1/30/20250126194628-1738224684978113203388.jpg)
Theo Báo Tổ quốc
Bài viết khác
95 năm - Ánh sáng soi đường: Bản giao hưởng của niềm tin, lòng tự hào và khát vọng vươn lên
04/02/2025 - 09:35
Tối 3/2/2025, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội, đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Chùm ảnh: Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “95 năm - Ánh sáng soi đường”
04/02/2025 - 02:51
Tối 3/2, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hà Nội), đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới với chủ đề "95 năm - Ánh sáng soi đường", chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.
GẶP MẶT CÁN BỘ HƯU TRÍ CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN NHÂN DỊP XUÂN ẤT TỴ 2025
20/01/2025 - 12:59
Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng ngày 20/01/2025, tại Cục Nghệ thuật biểu diễn diễn ra buổi gặp mặt cán bộ hưu trí trong không khí ấm áp, nghĩa tình. Đây là dịp để tri ân các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Cục sum vầy, chia sẻ những kỷ niệm và cùng hướng về một năm mới tràn đầy hy vọng.
Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật
09/01/2025 - 06:20
Tối 11.1 tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, không chỉ nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể xuất sắc mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm nghệ thuật và văn học.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sĩ cần chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật
31/12/2024 - 06:00
Chiều ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ toàn quốc.
Chùm ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ
31/12/2024 - 04:09
Chiều 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ.