Lại thổn thức cùng… Lưu Quang Vũ

27/04/2022 - 17:30  

Khán giả đã đến chật kín khán phòng của Nhà hát Tuổi Trẻ trong suất diễn đầu tiên của vở Ông không phải là bố tôi. Đây là điều hiếm sau đợt sân khấu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

 Cảnh trong vở “Ông không phải là bố tôi” Ảnh: THẾ TOÀN

 Người Hà Nội lại có một đêm thao thức, ngẫm ngợi, khóc cười, hả hê và cả dằn vặt với những nhân vật trên sân khấu; và hơn cả là nhớ thương, khâm phục Lưu Quang Vũ, nhà viết kịch tài hoa đã chuyển tải vấn đề cách đây gần 35 năm, nhưng nay vẫn đang tồn tại trong nhiều gia đình…

Vì sao sân khấu đương đại vẫn tiếp tục dàn dựng những kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ? Có phải vì thiếu chất liệu nên nghệ thuật tìm về nơi trú ẩn là những câu chuyện của một thời đã qua? Tất cả đều không đúng, bởi xem Ông không phải là bố tôi với bản dựng sống động, hấp dẫn của đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, công chúng sẽ có cách nghĩ hoàn toàn khác. Kịch bản Ông không phải là bố tôi được viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp lừng lẫy của nhà viết kịch tài hoa. Tác phẩm đã sống “xuyên thời gian”, phản ánh mối quan hệ căn cốt trong gia đình, đặc biệt trong xã hội hôm nay.

Với cốt truyện kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách với nhiều biến cố, ông quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham và sự ích kỷ. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước những tan vỡ, đứt gãy. Con người vì chức tước, lợi lộc mà sẵn sàng ruồng rẫy, chối bỏ đi tình huyết nhục của mình. Người con lợi dụng bố để được lên chức, nhưng cũng sẵn sàng đuổi bố ra đường khi biết bố đã “về vườn” và không còn giá trị. Ngược lại, người bố cũng sẵn sàng bán nhà của con trai mình chỉ vì thú vui “trai gái” nhố nhăng.

 

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến đã chọn cách kể mới khi dựng lên một tòa án lương tâm để các nhân vật tự đối thoại với nhau, để chính các vị quan tòa, công tố viên cũng khó có thể giải quyết được mâu thuẫn của những gia đình; khi mà chỉ người trong cuộc mới có thể tự tìm ra lời giải. Câu chuyện cạn tình máu mủ chỉ vì nhà cửa đất đai vẫn đang hiện hữu trong đời sống, khi mà thời buổi “tấc đất tấc vàng” và đạo đức, nhân cách, tình cảm gia đình ngày càng xuống cấp. Những người ông, người cha trở nên tha hoá, mờ mắt bởi dục vọng cá nhân và đồng tiền… Đâu rồi những tiêu chí ứng xử căn bản như cha mẹ là tấm gương cho con cái, sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ được đặt lên hàng đầu?!

Có thể thấy sự nhân ái của tác giả và ê kíp sáng tạo, họ đã tạo nên một cái kết ngoạn mục khi chính đứa cháu là nhân tố tích cực và có cách ứng xử đúng đắn để trả lại sự bình yên của gia đình. Quả thực nếu ngoài đời, khi mà ông bà, cha mẹ không thể là tấm gương sáng thì con cháu cũng sẽ khó có thể trở thành người tốt, lương thiện. Có nhiều pha xử lý khá tinh tế từ đạo diễn khi đưa ra các biểu tượng và thông điệp về giá trị tư tưởng, như sự xuất hiện của sợi dây ở mỗi cảnh diễn, có tác dụng liên kết các thế hệ trong gia đình dẫu tình máu mủ bị chối bỏ; ba chiếc ghế trong phiên tòa tượng trưng cho đại diện của ba thế hệ, buộc mỗi nhân vật phải ngồi lại để suy ngẫm.

 

 

Một bạn sinh viên trường ĐH KHXH&NV chia sẻ sau khi xem vở diễn: “Chúng em đều đã biết về cố tác giả Lưu Quang Vũ qua sách vở và hôm nay đến rạp xem để kiểm chứng. Vở kịch mang lại cho chúng em rất nhiều cảm xúc. Các nghệ sĩ thật sự tài năng khi lột tả được đầy đủ tâm trạng, tính cách từng nhân vật từ vui - buồn, xấu - tốt... Những lời thoại dễ hiểu mà lại thành triết lý sâu cay. Nếu sân khấu tiếp tục có những vở diễn hay, sâu sắc như của tác giả Lưu Quang Vũ thì chắc chắn sẽ hút người trẻ chúng em đến với sân khấu nhiều hơn”.

Ông không phải là bố tôi là điển hình về mối quan hệ huyết thống trong gia đình mà thời đại nào người ta cũng quan tâm. Cố tác giả Lưu Quang Vũ có biệt tài phát hiện tình huống xung đột, mâu thuẫn đang xảy ra trong hiện thực đời sống. Ông không dừng lại ở việc giải quyết xung đột đơn lẻ mà hướng tới phản ánh căn nguyên tư tưởng triết lý xã hội ẩn sâu dưới những mâu thuẫn, xung đột ấy. Chắc chắn sau khi xem xong, Ông không phải là bố tôi sẽ đem đến bài học nhân văn sâu sắc cho mỗi người, để chúng ta chọn cách giữ gìn nề nếp gia phong, chọn cách nhìn nhân ái yêu thương chứ không quay lưng lại với người thân của mình.

Kịch Lưu Quang Vũ suốt gần nửa thế kỷ qua vẫn luôn là chiếc đồng hồ đánh thức lương tri. Sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà ông gửi gắm qua từng con chữ vẫn hiện hữu như một chân lý sống, làm rung động trái tim bao thế hệ khán giả. 

Theo Báo Văn hóa

Bài viết khác

Trại sáng tác truyền lửa cho văn nghệ sĩ

19/09/2024 - 00:04

Trong thời gian tham gia Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống.

Họp rà soát triển khai các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ

17/09/2024 - 21:46

Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tại Công văn số 3928/BVHTTDL-VP ngày 13/9/2024 về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp và ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra; ngày 14/9/2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện.

THÔNG BÁO Lùi thời gian tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1)

06/09/2024 - 17:52

Căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Ban Tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) quyết định lùi thời gian tổ chức, theo đó Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” (Đợt 1) được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 20/9/2024

Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024

06/09/2024 - 10:01

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024 tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2024.

Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (Đợt 1)

04/09/2024 - 15:08

Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 đợt 1 được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 16/9/2024 tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, đường Văn Cao, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần quan tâm vấn đề xã hội hóa để phát huy được giá trị của các di tích, di sản

22/08/2024 - 09:52

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.