Hội thảo lấy ý kiến về Nghị định khuyến khích phát triển văn học: Động lực mới cho sáng tạo

04/04/2025 - 15:15  

Sáng ngày 04/4, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà văn và nhà báo.

 Hội thảo không chỉ là diễn đàn để góp ý, hoàn thiện một chính sách quan trọng mà còn là diễn đàn để trao đổi, thảo luận đưa văn học Việt Nam tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho người sáng tác và hoạt động văn học nước nhà.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà văn Nguyễn Bình Phương; Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; TS Bùi Thế Đức, Phó trưởng Tiểu ban Lý luận, phê bình VHNT, Hội đồng Lý luận Trung ương cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà văn và nhà báo uy tín.

Xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả, thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển bền vững - ảnh 1 Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo

Văn học – Trụ cột của đời sống tinh thần dân tộc

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, chia sẻ: Như chúng ta đã biết, văn học là một trong những trụ cột của đời sống tinh thần, góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn con người và phản ánh những giá trị xã hội. Văn học không chỉ ghi lại những biến động của đời sống mà còn góp phần định hình tư tưởng, bồi đắp nhân cách và xây dựng bản sắc văn hóa của một quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học trở nên cấp thiết, đảm bảo văn học vừa giữ vững truyền thống, vừa tiếp cận những xu hướng sáng tạo mới.

Thứ trưởng cũng nói việc ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển văn học không chỉ là mộtchủ trương đúng đắn mà còn là một đòi hỏi cấp thiết trước những vận động mới của đời sống xã hội và sáng tạo nghệ thuật. Hội thảo hôm nay là diễn đàn trao đổi, thảo luận sâu sắc giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà xuất bản, nhà báo và những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nhằm đóng góp ý kiến xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả, khả thi và thực sự có tác động thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển bền vững.

Ông đề cập đến sự chuyển mình mạnh mẽ của văn học trong thời đại số: Trong thời đại ngày nay, khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, văn học cũng đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ. Các nền tảng xuất bản điện tử, sách số, văn học mạng, trí tuệ nhân tạo… đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho người cầm bút. Văn học không chỉ đơn thuần là những trang giấy nữa mà đã mở rộng ra các hình thức thể hiện đa dạng hơn, tiếp cận đông đảo công chúng hơn, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu về việc bảo tồn giá trị nghệ thuật và định hướng sáng tạo trong một môi trường đầy biến động.

Nhắc lại quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt văn nghệ sĩ năm 2024, Thứ trưởng khẳng định: Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước cho thấy vào những thời điểm cam go nhất, những thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt, văn hóa và con người Việt Nam luôn là động lực vĩ đại giúp dân tộc ta lập nên những kỳ tích.

Từ đó, ông nhấn mạnh rằng văn học, nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước ta đặt lên hàng đầu, là một trong những trụ cột tinh thần to lớn, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại của dân tộc.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội

Nghị định - Hành lang pháp lý cần thiết cho văn học phát triển

Tại hội thảo, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã trình bày những nội dung chính của dự thảo Nghị định. Theo đó, dự thảo đưa ra các cơ chế cụ thể nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tác giả, tổ chức văn học, xuất bản cũng như các hoạt động nghiên cứu, phê bình, quảng bá tác phẩm. Các nội dung trọng tâm bao gồm:

Hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học: Cần có cơ chế tài chính cụ thể, ổn định, không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn tạo điều kiện về môi trường sáng tác.

Tổ chức trại viết, sáng tác văn học: Cần đổi mới phương thức tổ chức để thực sự trở thành nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tác.

Xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả, thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển bền vững - ảnh 3
Phó Cục trưởng Cục NTBD Trần Hướng Dương báo cáo dự thảo Nghị định

Tổ chức cuộc thi viết, sáng tác tác phẩm văn học: Nên có sự phân loại rõ ràng về thể loại, độ tuổi tác giả và hướng đến các đề tài mang tính đột phá.

Giải thưởng văn học quốc gia: Cần nâng cao uy tín, chất lượng, mở rộng ảnh hưởng ra khu vực và quốc tế.

Giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học: Cần có chiến lược dài hơi, đẩy mạnh dịch thuật, liên kết xuất bản với thị trường quốc tế.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra các biện pháp nhằm phát huy vai trò của văn học trong đời sống xã hội, khẳng định văn học không chỉ là lĩnh vực sáng tạo cá nhân mà còn có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển văn hóa chung của đất nước. 

NSND Vương Duy Biên nguyên Thứ trưởng BVHTTDL phát biểu tại Hội thảo 

Những góc nhìn đa chiều từ các tham luận

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, nhà văn và chuyên gia, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến một chính sách quan trọng đối với sự phát triển của văn học nước nhà. 

PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận dự thảo Nghị định từ góc độ so sánh với các chính sách văn học của một số quốc gia, đề xuất những điều chỉnh để tăng tính khả thi và hiệu quả. 

PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).

Nhà văn Đặng Thị Thúy (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng) tập trung phân tích vai trò của văn học trong giai đoạn mới, nhấn mạnh sự cần thiết của một chính sách hỗ trợ có chiều sâu và phù hợp với đặc thù của sáng tạo văn chương. 

TS. Đỗ Thị Thu Thủy (Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội) đề xuất các giải pháp thu hút và đào tạo đội ngũ chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo văn học, góp phần bồi dưỡng thế hệ nhà văn kế cận. 

 

TS. Bùi Thế Đức (Phó trưởng Tiểu ban Lý luận, phê bình VHNT, Hội đồng Lý luận Trung ương) đưa ra các nhận định về công tác lý luận, phê bình văn học trong bối cảnh hiện nay, đề xuất một số cơ chế khuyến khích nghiên cứu và phê bình chuyên sâu. 

 Nhà văn Vũ Thanh Lịch (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình) góp ý về việc cần thiết phải có các chính sách ưu tiên cho những tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác động tích cực đến đời sống tinh thần của công chúng.

Bên cạnh các tham luận, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã có những trao đổi, tranh luận sôi nổi về cách thức triển khai các chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả, phù hợp với thực tiễn sáng tác và xuất bản hiện nay.

Hướng đến một nền văn học phát triển bền vững

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Tạ Quang Đông khẳng định: “Hội thảo hôm nay không chỉ nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định mà còn là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận lại chặng đường phát triển của văn học Việt Nam, đánh giá những thành tựu và những vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ. Hy vọng rằng, với sự đóng góp tâm huyết của quý vị đại biểu, dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện, trở thành một chính sách thiết thực, góp phần thúc đẩy nền văn học Việt Nam vươn xa trong kỷ nguyên mới.

Xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả, thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển bền vững - ảnh 6
Tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt phát biểu

Sự ra đời của Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ văn học phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc. Với những ý kiến đóng góp sâu sắc từ hội thảo, tin rằng Nghị định sẽ sớm được hoàn thiện và đi vào thực tiễn, trở thành động lực mạnh mẽ để văn học Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ văn hóa thế giới.

Các ý kiến góp ý của các đại biểu tham gia Hội thảo sẽ được Ban soạn thảo và Tổ biên xây dựng Nghị định tập tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và xin ý kiến Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ ban hành.

                        Phương Trang, ảnh Ngọc Quỳnh                                                                

Bài viết khác

Hùng tráng chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam”

23/04/2025 - 05:48

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối 22.4, Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” với sân khấu thực cảnh lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT ĐẶC BIỆT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

14/04/2025 - 21:24

Chiều ngày 14 tháng 4 năm 2025, tại Hà Nôi, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì tổ chức chương trình Gặp mặt báo chí, giới thiệu các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

HỌP HỘI ĐỒNG CHUNG KHẢO BÌNH CHỌN TÁC PHẨM SÂN KHẤU, ÂM NHẠC VÀ MÚA TIÊU BIỂU, XUẤT SẮC SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT (30/4/1975 - 30/4/2025)

09/04/2025 - 23:15

Ngay sau cuộc họp Sơ khảo bình chọn tác phẩm Sân khấu, Âm nhạc và Múa tiêu biểu, xuất sắc (27/3/2025), Hội đồng Chung khảo bình chọn tác phẩm Sân khấu, Âm nhạc và Múa tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) với chủ đề “Những bản hùng ca đất nước” đã được tổ chức vào chiều ngày 09/4/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn (32 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

HỘI NGHỊ CÔNG CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN NĂM 2024: PHÁT HUY DÂN CHỦ CƠ SỞ, ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG TẬP THỂ VỮNG MẠNH

09/04/2025 - 17:30

Chiều ngày 09/4/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Hội nghị công chức và người lao động năm 2024 đã được tổ chức trong không khí dân chủ, trách nhiệm và đoàn kết. Dự Hội nghị có tập thể Lãnh đạo Cục cùng toàn thể công chức, người lao động đang công tác tại Cục NTBD

CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH ĐIỀU ĐỘNG, BỔ NHIỆM PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

04/04/2025 - 21:24

Chiều 04/4/2025, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL), Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình đã chủ trì Hội nghị công bố và trao quyết định về công tác cán bộ.

Công bố Quyết định chỉ định bổ sung Chi ủy, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2020 - 2025

01/04/2025 - 20:33

Chiều ngày 01/4/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn số 32 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, đã diễn ra Lễ công bố Quyết định chỉ định bổ sung Chi ủy, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2020 - 2025.