Vở tuồng “Ảo vọng uy quyền”: Mượn tuồng xưa nói chuyện thời nay...
15/12/2024 - 05:17
Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa ra mắt vở tuồng đề tài lịch sử mang tên Ảo vọng uy quyền (hay Đoạn thâm tình), câu chuyện xoay quanh bốn đức: "Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa" của những nhân vật xưa nhưng ê kíp sáng tạo đã gửi gắm rất nhiều những thông điệp từ câu chuyện xưa để nói lên những vấn đề của hôm nay.
Ảo vọng uy quyền đã khiến chính con cái trở thành nạn nhân của người cha
Vở diễn do Đoàn nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng. Tác giả Nguyễn Sỹ Chức; Đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà. Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Hoàng Văn Long chỉ đạo nghệ thuật.
Kéo dài hơn 2 tiếng, Ảo vọng uy quyền kể về những năm tháng cuối cùng của thời vua Lê Hiển Tông và hai năm đầu thời Vua Lê Chiêu Thống. Chuyện bắt đầu từ mùa xuân năm 1786 đến cuối năm 1788, Nguyễn Hữu Chỉnh là nhà quân sự, chính trị có ảnh hưởng lớn của Đại Việt thời Lê trung hưng và Tây Sơn. Ông là người hiến kế cho Tây Sơn tiến quân ra Bắc, tiêu diệt chúa Trịnh, trả nước cho vua Lê.
Nguyễn Hữu Chỉnh được Lê Chiêu Thống phong làm Đại tư đồ Bình chương quân quốc trọng sự, nắm thực quyền cai quản miền Bắc Đại Việt. Nguyễn Hữu Chỉnh ngày một chuyên quyền. Có được chức tước to lớn, tỏ lộ uy oai trấn áp đồng liêu, bức vua quá độ khiến quan lại khắp Bắc thành vô cùng sợ hãi. Được tin, Nguyễn Huệ sai Tả đô đốc Vũ Văn Nhậm đem quân ra bắt giết Nguyễn Hữu Chỉnh... Nhưng, gương xấu vẫn còn treo đó, theo vết Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại gây ra nhiều tội ác với dân chúng...
Trước khi nhận án tử, Tả đô đốc Vũ Văn Nhậm mới hiểu hết giá trị của một bề tôi "Tận trung báo quốc" và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của những người ruột thịt...
Xoay quanh 4 đức "Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa", chủ đề kịch bản cũng nêu rõ bài học về tấm lòng “ái quốc, ưu dân”. Đối với những người “ăn cơm vua, hưởng lộc nước” nhưng không tận tâm vì dân, vì nước, lại luôn cậy thế quyền để nhiễu hại lương dân ắt đến ngày “danh mất, phận không còn”.
Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà cho biết, “Vở diễn mang hơi thở cuộc sống hôm nay về công tác tổ chức cán bộ, chính vì thế mà trở nên gần gũi, góp tiếng nói tham gia vào chủ trương lớn của Đảng. Để tác phẩm đi vào công chúng, đặc biệt là giới trẻ, chúng tôi đã dựng với tiết tấu nhanh hơn, chân thật hơn nhưng vẫn giữ được hồn cốt, đặc trưng riêng của tuồng cổ Việt Nam. Thông điệp mà vở diễn muốn truyền tải vì thế không giao đãi, không kể lể dài dòng mà tham gia vào chuyện kịch ngay, đẩy xung đột thành cú hích, gây tính hấp dẫn cho khán giả”.
Đây là lần đầu tiên, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà dàn dựng cho Nhà hát Tuồng Việt Nam, anh cũng đã tuân thủ khá kỹ những trình thức của phương pháp dàn dựng kịch hát truyền thống trong tuồng, khai thác hiệu quả các làn điệu nhạc truyền thống cũng như tính ước lệ cao của loại hình nghệ thuật sân khấu tuồng.
Việc xử lý không gian sân khấu của đạo diễn và hoạ sĩ cũng rất hiệu quả tạo nên nhiều cảnh ấn tượng như cảnh Vũ Văn Nhậm giết Nguyễn Hữu Chỉnh, cảnh xử lý cái chết chung của quận chúa, con gái Vũ Văn Nhậm và con trai của Nguyễn Hữu Chỉnh...
Điểm thành công nổi bật nhất của vở đó là đạo diễn đã khai thác triệt để các phân đoạn tâm trạng tâm lý của các nhân vật trong vở tuồng. Các nghệ sĩ đóng các vai chính trong vở: NSƯT Tống Xuân Tùng vai Vũ Văn Nhậm, nghệ sĩ Đình Nam vai Nguyễn Hữu Chỉnh, NSƯT Nguyễn Thị Quyên vai quận chúa Loan Trinh, NSƯT Trần Văn Long vai Nguyễn Quang Du – con trai Nguyễn Hữu Chỉnh, Đình Học vai Lý Nghĩa... đã thực sự tạo sức hút cho vở diễn. Họ là những nghệ sĩ tài năng của sân khấu tuồng với những thành tích cao ở các cuộc liên hoan sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc.
Những phân đoạn hay nhất lại chính là những cảnh đối thoại giữa quận chúa Loan Trinh với Nguyễn Quang Du, cảnh Vũ Văn Nhậm với Lý Nghĩa trong ngục... đã đưa các nhân vật lịch sử đối thoại, nói những câu chuyện gần gũi với chính con người của cuộc sống hiện đại từ quan niệm yêu thương cho tới quan điểm sống.
Điều bất ngờ đối với các nghệ sĩ đó là tại buổi tổng duyệt ra mắt vở tuồng có tới hơn 120 khán giả là sinh viên tới xem.
“Tôi và NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng các nghệ sĩ đã ở lại 30 phút sau khi vở diễn kết thúc để gặp gỡ hàng chục sinh viên. Họ muốn trao đổi và chia sẻ những suy nghĩ sau khi xem vở tuồng Ảo vọng uy quyền. Các bạn ấy không nghĩ rằng một vở tuồng, lại đề tài lịch sử mà nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam lại diễn hay và hấp dẫn đến thế. Một số bạn cho biết họ đã khóc khi xem. Điều này khiến ê kíp sáng tạo chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ thêm.
Theo Báo Văn hóa
Bài viết khác
Công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024
16/12/2024 - 09:21
Thực hiện Quyết định số 2748/QĐ-BVHTTDL ngày 20.9.2024 của Bộ trưởng Bộ VHTTDLvề việc tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024, Báo Văn Hóa đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bình chọn 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2024 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ… thuộc Bộ VHTTDL và gần 70 nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đến từ hơn 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
15/12/2024 - 21:29
Tối 14/12, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị (thành phố Đông Hà), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024. Ngày hội quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia gồm: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
“Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”
13/12/2024 - 10:09
Chiều 12.12.2024, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20.12.1924 – 20.12.2024).
Mây & nước - Bản giao hưởng chào Xuân” trên thành phố Hoa
08/12/2024 - 10:28
Trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024, tối 7.12, tại Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề "Mây & nước - Bản giao hưởng chào Xuân" do Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Đêm tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)
01/12/2024 - 01:52
Tối ngày 30/11, tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1) đã chính thức khép lại bằng một Lễ Bế mạc đầy cảm xúc và ấn tượng, đây là sự kiện đánh dấu thành công rực rỡ của chuỗi hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp quy mô toàn quốc.
Thầm lặng sau màn nhung sân khấu tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)
26/11/2024 - 13:38
Đằng sau sự thành công của mỗi đêm diễn là sự hỗ trợ nhiệt thành từ Ban Tổ chức, với việc bố trí, sắp xếp lịch hợp luyện sâu khấu của 13 đơn vị tham gia liên hoan một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, từng nội dung diễn thi cùng sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả là nguồn cảm hứng bất tận đã góp phần quan trọng để nửa chặng đường liên hoan diễn ra suôn sẻ.