Thơ đang ở đâu trong thị trường sách: Bài 3 - Người cầm bút cần làm gì để “tự cứu mình”?
30/05/2025 - 21:41
Bán thơ là một cách chống lại sự làm phiền của mình với người khác.
Muôn vàn cách bán thơ
Đăng bán thơ trên các trang cá nhân là cách làm không mới, nhiều tác giả đã sử dụng cách này. Nếu thành công trong việc tự bán sách thì tác giả sẽ khá tự tin với tác phẩm của mình, là động lực để tiếp tục viết các cuốn khác. Ngược lại, nếu không bán được thơ thì tác giả không còn cảm hứng để viết tiếp, từ đó nghi ngờ chính khả năng của bản thân.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng trên trang cá nhân số bạn bè đó có được coi là tệp khách hàng tiềm năng không? Nếu không yêu thích tạng thơ của tác giả thì dù có bao nhiêu nghìn bạn bè cũng khó bán được thơ.

Nói về việc người cầm bút vừa viết vừa bán sách, trên trang facebook của nhà văn Uông Triều có đặt ra câu hỏi rằng: “Nhà văn tự quảng cáo và bán sách của mình có được không?”, sau đó nhà văn khẳng định: “Được nhé, văn học như cái bánh mì, không phải trên giời cũng không phải dưới lòng đất, nó ngang bằng với cuộc sống con người”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã từng rao bán tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ” trên trang facebook cá nhân của mình. Ông chia sẻ rằng: “Tôi in thơ hầu như chưa bao giờ bán mà chỉ tặng. Bây giờ nghĩ lại có chút ân hận vì có người không đọc mà mình cứ tặng. Họ phải mang thơ mình về, phải nhét vào đâu đó. Chỉ tổ chật nhà”.
Việc quyết định bán thơ được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam gọi là “chiến dịch" bán thơ. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì: “Bán thơ là một cách chống lại sự làm phiền của mình với người khác”.
Đáng chú ý, tập thơ này độc giả mua không chỉ đọc thơ mà còn có thể thưởng thức, rồi cắt rời tranh khỏi sách và treo vào khung. Toàn bộ số tranh trong tập thơ cũng là những tác phẩm hội hoạ của Chủ tịch Hội Nhà văn được chụp lại. Với cách làm này, nhiều độc giả đã hào hứng mua tập thơ của Nguyễn Quang Thiều.
Tập thơ và ký chân dung Những người gáng sông trăng của 5 nữ nhà thơ, nhà văn: Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Kim Nhũ, Phạm Thu Yến, Trần Thị Trường cũng có cách làm khá tương đồng khi có thêm phụ bản là ảnh chụp lại 24 bức sơn dầu về hoa hồng bên cạnh 100 bài thơ, hơn 10 bài ký chân dung (bằng văn xuôi và thơ). Với sự đổi mới trong việc in thơ, số lượng sách bán ra cũng rất đáng nể.
Một số nhà thơ còn có cách bán thơ khác là, đăng thơ trên facebook (đăng dưới dạng văn bản thông thường, đăng với bản thu từ giọng đọc của tác giả, đăng dưới dạng video…) như một cách giới thiệu, chào hàng. Từ đây, các đơn vị in thơ như báo, tạp chí, hay nhà xuất bản thấy phù hợp sẽ liên hệ với tác giả để sử dụng tác phẩm.
Một trong những cách làm khác mà các nhà thơ có thể in sách là xin tài trợ từ doanh nghiệp. Có những chủ doanh nghiệp yêu thơ, muốn tài trợ cho nhà thơ hoặc “đặt hàng” nhà thơ sáng tác thêm thơ của doanh nghiệp họ. Hoặc người cầm bút có thể nhận tài trợ từ chính người trong gia đình mình.
Ở một số Hội Văn học nghệ thuật địa phương, các nhà thơ cũng có thể đem bản thảo của mình đi xin hỗ trợ sáng tác. Nếu bản thảo được thẩm định đạt chất lượng sẽ được hỗ trợ kinh phí xuất bản theo các mức khác nhau ở tuỳ từng địa phương. Mặc dù số tập thơ được in theo cách này không nhiều, nhưng đây là một hướng đi trong hành trình in thơ của người cầm bút.
Cần vượt qua những ngần ngại
Xưa nay việc các nhà văn nói chung và nhà thơ nói riêng đều quen thuộc trong một “quy trình cũ”, đó là viết làm sao cho tác phẩm hay, được nhiều độc giả đón đọc. Sau đó tác giả chỉ cần mang tác phẩm của mình đến nhà xuất bản thẩm định. Nếu bản thảo được chấp nhận thì tác giả chỉ cần đợi sách ra (hoặc dành thời gian viết tác phẩm mới), nhận nhuận bút.
Việc thích nghi với quy trình mới “nhà thơ vừa viết vừa bán sách” không phải ai cũng làm được. Có không ít nhà thơ cho rằng như thế thì thiếu khách quan, vì đương nhiên khi tự mình viết sách thì luôn thấy tác phẩm của mình là hay, là nhất. Nếu nhờ đồng nghiệp đánh giá thì phần lớn cũng khen tác phẩm. Vô hình chung ai càng có mối quan hệ rộng càng có cơ hội được khen nhiều.

Điều này có thể chưa thực sự công tâm với thị trường sách vì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Do vậy một số nhà thơ tỏ ra ngần ngại và vẫn giữ nếp cũ với quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”.
Phải thành thật nói rằng, hiện nay có quá nhiều loại hình giải trí, nghệ thuật cạnh tranh với thơ. Những tác phẩm cạnh tranh đó cũng nhanh nhạy bắt kịp thị hiếu khán giả và không ngần ngại tìm đủ mọi cách giới thiệu tới công chúng. Thơ không còn sự hấp dẫn lấn át như trước đây nữa nên người cầm bút cũng phải thích nghi và có những thay đổi.
Đã qua rồi cái thời một bài thơ hay khiến bao nhiêu người say mê đọc thuộc, chép vào sổ tay và truyền cho nhau.
Các nhà thơ muốn bán được sách, ngoài đảm bảo chất lượng nội dung thì cũng cần sáng tạo, có nhiều cách tiếp cận với độc giả hơn. Thậm chí nhà thơ cũng phải cùng với đơn vị phát hành tham gia vào quá trình đưa tác phẩm ra thị trường như: tích cực quảng bá tác phẩm qua những kênh uy tín, các đồng nghiệp có tiếng nói trong giới văn chương.
Tác giả cũng nên phối hợp với các kênh bán sách uy tín, có sẵn tệp khách hàng phù hợp để livetream bán hàng. Bên cạnh đó cũng nên thiết kế quà tặng kèm với thơ với một mặt hàng thiết thực, có ý nghĩa.
Tại NXB Hội Nhà văn, còn hỗ trợ việc bán sách cho tác giả. Những tập thơ được xuất bản tại đây sẽ được giới thiệu, trích đọc thử miễn phí trên trang web của NXB, sau đó độc giả có nhu cầu mua sẽ được chuyển đơn hàng cho chính tác giả. NXB Hội Nhà văn không thu phí hay được chia sẻ lợi nhuận từ việc bán sách mà chỉ làm cầu nối cho việc mua – bán sách giữa tác giả và độc giả.
Có thể nói, dù thị trường thơ có phần “lép vế” hơn so với thị trường sách văn học nghệ thuật nói chung, nhưng mỗi người cầm bút vẫn tự tìm cho mình một cách đi riêng để bằng cách này hay cách khác, thơ vẫn đến được với độc giả. Thơ vẫn là một trong những món ăn tinh thần của một bộ phận độc giả giữa sự cạnh tranh không thương tiếc của các loại hình giải trí và nghệ thuật hôm nay.
Đã đến lúc các nhà thơ phải “tự cứu lấy mình” bằng sự năng động, bằng sự “cởi bỏ” tư duy cũ kỹ trong cả sáng tác và tiếp cận công chúng.
Theo Báo Văn hóa
Bài viết khác
NSND Xuân Bắc nhận thêm nhiệm vụ mới
27/06/2025 - 07:12
NSND Xuân Bắc có tên trong danh sách 32 đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2025-2030.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Lan tỏa tinh thần đổi mới, khát vọng phát triển
27/06/2025 - 06:55
"Khi lắng nghe bài phát biểu sâu sắc và truyền cảm hứng của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là cụm từ 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' trong tôi như có luồng sinh khí mới. Từ cảm xúc ấy tôi viết lên giai điệu và ca từ của tác phẩm Vươn mình - Kỷ nguyên mới” - tác giả Trịnh Minh Ước chia sẻ về ca khúc đạt giải C Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tri ân sâu sắc lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng
22/06/2025 - 22:06
Sáng ngày 22/6, trong không gian ấm cúng, trang trọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình “Gặp mặt những người làm Báo gắn bó với Nghệ thuật biểu diễn và Văn học” - Hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt nhằm tri ân lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng, khán giả nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)
Tỏa sáng tài năng trẻ cùng những kiệt tác kinh điển trong đêm hòa nhạc đặc biệt “Chopin - Rimsky - Korsakov”
22/06/2025 - 21:04
Tối 21/6, tại Nhà hát Hồ Gươm - một không gian sang trọng và giàu giá trị nghệ thuật - Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trình diễn đêm nhạc đặc biệt Chopin - Rimsky - Korsakov, quy tụ những kiệt tác bất hủ của âm nhạc cổ điển thế giới cùng sự góp mặt đáng mong đợi của hai tài năng piano trẻ xuất sắc: Nguyễn Đức Kiên và Lưu Danh Khôi.
Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng hoa Chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
17/06/2025 - 16:25
Chiều ngày 16/6, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thay mặt Lãnh đạo Cục NTBD tặng hoa chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam -TS. NSND Đỗ Quốc Hưng.
Bầu Bí thư, Phó Bí thư trực tiếp tại Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn với kết quả tuyệt đối
10/06/2025 - 23:01
Sáng ngày 10/6, Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2025 – 2030 đã được tổ chức trọng thể, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong nhiệm kỳ tới với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò trong công tác tham mưu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học trong thời gian tới.