Nhà thơ Thanh Nguyên: Sống như viết, viết như sống

23/03/2022 - 22:10  

Nhà thơ nữ Thanh Nguyên thuộc danh sách “thế hệ vàng” của văn học TP.HCM thời 1975-1990. Chị là tác giả 6 tập thơ đã phát hành trong đó có tập Quán bạn (NXB Trẻ 2001) in chung với Lý Lan, Lưu Thị Lương, Chim Trắng.

Năm 2008 chị cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được Hội Nhà văn TP.HCH trao giải thưởng thường niên. Viết cho thiếu nhi, Thanh Nguyên có tập thơ Ngọn đồi tuổi thơ (NXB Hội Nhà văn, 2017).

 Tiếng Việt lớp 1, lớp 2 rồi lớp 3 sách giáo khoa mới - bộ Chân trời sáng tạo -tác giả Thanh Nguyên đều có bài, tuyển chọn từ tập Ngọn đồi tuổi thơ. Trong sách lớp 3, Thanh Nguyên cùng bạn đọc của mình từ sân trường, nhìn rộng ra cả một thành phố “với hai mùa mưa nắng/ với thật nhiều yêu thương”. Vẫn là yêu thương, nhưng trong sách lớp 1 và lớp 2, tình yêu ấy dành cho những người bạn tí hon vẫn theo các bé, trên vai các bé, tới lớp hằng ngày.

Một tích hợp giáo dục thú vị

Bài Trong chiếc cặp của em của Thanh Nguyên ở Tiếng Việt 1 tập 2 tr.92:“Em có nhiều bạn bè/ Nằm ngoan trong chiếc cặp/ Gầy nhom là cây thước/ Thích sạch là thỏi gôm/ Những trang sách giấy thơm/ Biết rất nhiều chuyện kể/ Cây bút cùng quyển vở/ Chép không thiếu một lời/ Gặp gỡ nhau mỗi ngày/ Làm sao không yêu mến/ Muốn nghe chúng kháo chuyện/ Em mở chiếc cặp ra”.

Chú thích ảnh
Bài “Trong chiếc cặp của em” của Thanh Nguyên ở  sách “Tiếng Việt 1” tập 2

Tên bài thơ của Thanh Nguyên được dùng làm tên chung cho chủ điểm mà các em lớp 1 học ở tuần thứ 28 - Trong chiếc cặp của em. Ba khổ thơ tả đồ vật, mà giới thiệu được tới 5 nhân vật thước, gôm, sách, bút, vở - “bạn bè” thân thiết của học sinh. Trong 5 người ấy, người thì dễ thương và tức cười vì nhân dạng “gày nhom”, người thẳng tính, chỉ “thích sạch” lãnh việc tẩy xóa, người giỏi giang “nhiều chuyện kể”, người chăm chỉ “chép không thiếu một lời” thầy cô. Thơ gợi nhiều hơn kể. Cùng với các minh họa vẽ vật thành người, chữ và tranh, giúp học sinh học tập đọc mà vui như xem phim hoạt hình.

Dù chỉ là trích 12 dòng trong 22 dòng nguyên bản, nhưng bài thơ Trong chiếc cặp của em vẫn khớp vần, liền ý như một tác phẩm độc lập, với cái kết mà như chưa kết. Từ dòng thứ nhất tới dòng 20 người đọc mới chỉ nhìn thấy các tí hon thước, gôm, sách, bút, vở. Muốn nghe, muốn “khai khẩu” các bạn đang “nằm ngoan”, muốn cùng các bạn ấy “khảo chuyện”, hãy “mở chiếc cặp ra”. Kết mà như chuyển đoạn để có tác phẩm tiếp theo. Kết như nâng cấp chủ đề vui tới trường học, học chính là tự khám phá thế giới chung quanh. Kết như tạo cơ hội để thầy cô giáo phân vai diễn một vở kịch ngắn, giúp học sinh thực hành luyện nói, ngay sau giờ tập đọc.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Thanh Nguyên

Cũng với bài thơ này, khi vào sách Tiếng Việt 2 ở trang 124 tập 1 thơ Thanh Nguyên, cùng có mặt trong một tiết học với ca từ Sách bút thân yêu ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân: Nào bàn nào ghế / Nào sách nào vở / Nào mực nào bút…”. Đặt các bạn tí hon thước, gôm, sách, bút, vở của Thanh Nguyên (người TP.HCM), bên các bạn khồng lồ - “bàn”, “ghế” của Hoàng Vân (người Hà Nội), là một tích hợp giáo dục thú vị.

Người đắp nền thơ ca chờ ngày đỉnh thi sĩ xuất hiện.

Nhà thơ Thanh Nguyên là người liên tục trong hơn 10 năm giao thời thế kỉ XX - XXI tham gia tổ chức các cuộc thi thơ của Trung tâm Văn hóa quận 3, TP.HCM khi chị đang là nhân viên của trung tâm văn hóa này. Sau mỗi kì thi là một tập thơ được xuất bản. Người viết bài còn giữ được các tập Huyền thoại Bàn Cờ ( 1999) Dòng kênh xanh (2002). Cuộc thi thu hút bài dự thi của thi sinh từ nhiều miền đất nước, mời được các nhà thơ chuyên nghiêp tham gia ban giám khảo. Từ cuộc thi này nhiều người tiến xa hơn trên con đường văn học. Nhà thơ Nguyễn Tấn On, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng, nhà thơ Trần Thị Ngọc Hồng, hội viên Hội Văn nghệ Tiền Giang từng là các tân khoa các cuộc thi thơ mà Thanh Nguyên liên tục đứng trong ban tổ chức.

Trong bài tổng kết cuộc thi lần thứ 11 năm 2002, Ban giám khảo nhận xét: “Không thù tạc, giao lưu, cung chúc, sau 11 năm nuôi dưỡng phong trào, thơ của câu lạc bộ thơ ca quận 3 đã lớn, đủ sức bàn những chuyện trọng đại nhất…Việc một đơn vị văn hóa cấp quận duy trì được một hoạt động thơ ca liên tục hơn năm 10 năm là một cố gắng góp phần tạo ra một đối trọng cần thiết khi mà xã hội chuyển rất nhanh sang cơ chế thị trường, con người ta dễ xa lánh thơ ca…”.

Chú thích ảnh

Thanh Nguyên góp sức và có công giữ lại bạn đọc, bạn viết cho thơ ca, có công đắp “nền” thơ ca chờ ngày “đỉnh” thi sĩ xuất hiện.

Để làm được việc ấy, trong 2 nhiệm kì là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM (2000 - 2005 và 2005 - 2010), được phân công phụ trách văn học thiếu nhi, chị cùng với Hội đã tổ chức: Các cuộc hội thảo, các diễn đàn văn học thiếu nhi; lễ mừng thọ các nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi như Thy Ngọc, Minh Quân, Cửu Thọ; cuộc thi sáng tác văn học dành cho trẻ khuyết tật, kém may mắn (2008 – 2009), từ đó thực hiện tập sách Quà tặng tuổi thơ 3.

Lấy cái mới làm cái trẻ

Là một cán bộ văn hóa mẫn cán cho tới ngày nghỉ hưu, nhưng trong những ngày ấy Thanh Nguyễn vẫn kịp ghi nhiều dấu ấn sáng tạo cá nhân của một thi sĩ có quan niệm “không thể viết kiểu “già” và “giả” nếu muốn người trẻ đọc” như chị từng cho biết. Chị nói: “Tôi ý thức mình cần sống càng giống với điều mình viết càng tốt vì có ánh mắt công chúng quét qua mình!”

Sống như viết, viết như sống để không “giả”! Để không “già”, Thanh Nguyên luôn đổi mới đề tài, đổi mới cách viết, lấy cái mới làm cái trẻ. Chị có thể nuột nà lục bát trong Lỗi hẹn cùng ca dao: Đàn Kiều được mấy khúc vui/ Thơ Kiều có vận vào đời em chăng?/ Tình so chưa đủ ngũ âm/ Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi/ Áo ca dao, gió cuốn rồi/ Cầu ca dao trả cho người khác qua.../Tóc mai rũ bóng hiên nhà/ Chuyện xưa dù nhắc vẫn là chuyện xưa/ Em ngồi giặt áo giữa trưa/ Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng”.

Chú thích ảnh

Nối dây phơi áo quần lam lũ hôm nay với dây đàn ngũ âm sang trọng, cổ điển thời xưa, thật nhuyễn như thế, Thanh Nguyên từng được khen là sở trường lục bát! Có nhà báo hỏi về sở trường này, Thanh Nguyên trả lời: “Tôi rất yêu thơ lục bát do tiết tấu êm ả như hát, và tự hào vì đó là thể thơ riêng của người Việt. Với lục bát tôi có thể có thêm vốn từ trong lúc tìm chữ để “ráp vần”, thú vị lắm! Nếu thật có nhiều người cho đây là thế mạnh của tôi cũng xin phép tạm xem như tôi đã có được thành công nhất định trong cuộc hành trình hát thơ của đời mình”.

Nhưng Thanh Nguyên không chỉ mạnh về lục bát! Thơ tự do của chị trong tình khúc Đánh mất (nhạc Hoàng Hiệp) được Quang Lý, Đàm Vĩnh Hưng và nhiều ca sĩ khác thể hiện, được cả triệu người nghe trên mạng: “Ngày xưa, em như chiếc bóng bên anh, nhỏ nhoi thầm lặng… Mười năm, em tan ra thành vệt nắng, gió thốc lên chỉ còn đám bụi mờ. Chuyện tình mình sót lại mấy câu thơ. Mười năm, anh không ra đi mà như người trở lại. Ướt đẫm tim anh nước mắt em chiều ấy, dù rằng em dấu mặt vào tay… Bỗng ngỡ ngàng đôi mắt ấy chiều nay”.

Tình khúc Đánh mất từng được vinh danh là “hạt ngọc tinh khiết giữa dòng nhạc thị trường nhiều xô bồ”. Ấy vậy mà chất ngọc của bài thơ, những câu thơ tinh tế nhất, điêu luyện nhất, vẫn chưa được đưa vào ca từ: “Ai cắm sẵn trong bình mấy nhành lan tím. Nhờ hoa dạy anh cách mở đầu câu chuyện. Mắt em màu cà phê nâu đen, trong ly anh đôi mắt ấy nhìn lên, sâu lắng… Rạng rỡ môi em - nụ cười cuối ngày của nắng, gió dường như dừng lại chỗ em ngồi. Chút hương nào gợi nhớ xa xôi…”

Không chỉ làm mới trong từng bài, cái mới của thơ Thanh Nguyên còn thấy trong cấu trúc cả tập thơ. Thông thường, những người làm thơ tập hợp các bài viết lẻ vào một tập chung, không tìm cách xâu chuỗi những bài lẻ vào một chủ để chung. Thanh Nguyên, trong tập Ngọn đồi tuổi thơ, thoát khỏi thông thường kia bằng cách có bài Thay lời tựa - một bài thơ độc lập, vẽ ra toàn cảnh “ngọn đồi” không gian nghệ thuật mà các nhân vật thơ ca sẽ xuất hiện trong các bài riêng lẻ tiếp theo. Đó là nơi “Cho em chạy lên đỉnh đồi không vấp/ Sao lung linh làm bạn soi đường”;là nơi: “Khi ngồi trên thoai thoải dốc đồi/ Em chợt hiểu chung quanh là bát ngát/ Cánh bướm chở/ cầu vồng bảy sắc/ Vút bay xa tít tắp chân trời…”

Cảnh bướm thơ bay tới trang cuối “thay lời kết” khi ấy, đang hoàng hôn, nhưng chính khi ấy, tác giả Thanh Nguyên thấy: “Là khi ngoài sân trước/ Con đang hát đang cười/ Là khi ngoài hiên trước/ Nhô lên một mặt trời”. Cái tứ lớn của cả tập thơ được soi sáng bằng chính vầng mặt trời nhi đồng kia.

Nhà thơ nữ Thanh Nguyên sinh 1958, tên khai sinh Lê Thanh Nguyên; Là Ủy viên Hội Nhà văn TP.HCM, phụ trách văn học thiếu nhi hai nhiệm kỳ (2000 - 2005 và 2005 - 2010); Là tác giả 6 tập thơ đã xuất bản; Hiện sống tại TP.HCM.

Theo thethaovanhoa.vn

Bài viết khác

NSND Xuân Bắc nhận thêm nhiệm vụ mới

27/06/2025 - 07:12

NSND Xuân Bắc có tên trong danh sách 32 đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2025-2030.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Lan tỏa tinh thần đổi mới, khát vọng phát triển

27/06/2025 - 06:55

"Khi lắng nghe bài phát biểu sâu sắc và truyền cảm hứng của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là cụm từ 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' trong tôi như có luồng sinh khí mới. Từ cảm xúc ấy tôi viết lên giai điệu và ca từ của tác phẩm Vươn mình - Kỷ nguyên mới” - tác giả Trịnh Minh Ước chia sẻ về ca khúc đạt giải C Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tri ân sâu sắc lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng

22/06/2025 - 22:06

Sáng ngày 22/6, trong không gian ấm cúng, trang trọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình “Gặp mặt những người làm Báo gắn bó với Nghệ thuật biểu diễn và Văn học” - Hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt nhằm tri ân lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng, khán giả nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)

Tỏa sáng tài năng trẻ cùng những kiệt tác kinh điển trong đêm hòa nhạc đặc biệt “Chopin - Rimsky - Korsakov”

22/06/2025 - 21:04

Tối 21/6, tại Nhà hát Hồ Gươm - một không gian sang trọng và giàu giá trị nghệ thuật - Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trình diễn đêm nhạc đặc biệt Chopin - Rimsky - Korsakov, quy tụ những kiệt tác bất hủ của âm nhạc cổ điển thế giới cùng sự góp mặt đáng mong đợi của hai tài năng piano trẻ xuất sắc: Nguyễn Đức Kiên và Lưu Danh Khôi.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng hoa Chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

17/06/2025 - 16:25

Chiều ngày 16/6, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thay mặt Lãnh đạo Cục NTBD tặng hoa chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam -TS. NSND Đỗ Quốc Hưng.

Bầu Bí thư, Phó Bí thư trực tiếp tại Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn với kết quả tuyệt đối

10/06/2025 - 23:01

Sáng ngày 10/6, Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2025 – 2030 đã được tổ chức trọng thể, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong nhiệm kỳ tới với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò trong công tác tham mưu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học trong thời gian tới.