Nam Định: Chuẩn bị hồ sơ di sản múa rối hầu thánh chùa Bi
17/03/2015 - 14:00
(NTBD) - Nam Định đang thu thập tài liệu để xây dựng hồ sơ đề nghị đưa múa rối hầu thánh tại chùa Bi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc làm này không chỉ tôn vinh nghệ thuật múa rối cạn độc đáo mà còn góp phần bảo tồn, trao truyền cho thế hệ sau tốt hơn.
Nghệ thuật độc đáo
Chẳng ai biết chính xác múa rối hầu thánh chùa Bi có từ khi nào, chỉ biết nó gắn với lễ hội và không gian thiêng của chùa Bi (Đại Bi tự) tại thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định, được lưu truyền từ đời này qua đời khác một cách liên tục và khá nguyên vẹn. Theo truyền phả, hội rối chùa Bi được dân 3 làng Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba tổ chức biểu diễn vào tối các ngày 20 - 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm, để nhớ ơn Thiền sư Từ Đạo Hạnh - ông tổ của nghệ thuật múa rối Việt Nam, từng có thời gian tu hành ở chùa Bi. Chính tên của trò này là hội tu kỳ lệ (răn đời bỏ ác làm thiện), sau mới có thêm các tên như rối đầu gỗ, ổi lỗi, hát rối. Nhân vật chính trong múa rối hầu thánh là Thập nhị Thánh tượng (12 tượng thánh gồm 6 tượng rối lớn và 6 tượng rối nhỏ). Rối chùa Bi thuộc thể loại rối tay. Tượng làm bằng gỗ vàng tâm khoét rỗng, phủ sơn ta, được gọi là thánh tượng. Bộ thánh tượng chùa Bi không chỉ có giá trị lịch sử, tâm linh mà còn giàu tính mỹ thuật, được đánh giá là bộ đầu rối đẹp nhất miền Bắc.
Căn cứ vào kinh văn (tức lời hát) có thể phỏng đoán múa rối chùa Bi được kiện toàn hình thức và nội dung từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Các bài hát có âm điệu, giai điệu khác nhau nhưng đều hát vần theo nhịp 1/3 hoặc 2/7. Đặc biệt, các lời đệm, lời đón đều dùng tiếng Nôm cổ, theo thể song thất lục bát hoặc lục bát. Nội dung các bài hát ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, ca ngợi đời sống ấm no, yêu lao động. Dân gian còn đưa vào hát rối những điển tích cổ, các giáo điều trong Kinh thư để răn dạy con người sống hiếu nghĩa, thủy chung, chăm lo học hành, yêu lao động…
Múa rối hầu thánh là loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc và độc đáo, được biểu diễn tại nhiều chùa ở Nam Định cũng như một số địa phương vùng đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, sau đợt nghiên cứu điền dã năm 2013 - 2014, Ts Trang Thanh Hiền, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, múa rối ở chùa Bi được trao truyền liên tục và bài bản nhất. Toàn bộ 32 bài hát rối lời cổ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Trong khi đó, ở chùa Keo Hành Thiện, chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình)... đã mất hết kinh văn (lời hát), nếu còn lời văn thì không còn làn điệu nên không biết hát như thế nào; nghệ nhân hầu như chẳng còn ai, nếu có lễ hầu thánh chủ yếu do các thầy cúng thực thi.
Vinh danh để bảo tồn tốt hơn
Năm 2014, phường rối chùa Bi đã có đơn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định quan tâm nghiên cứu để lập hồ sơ vinh danh di sản này. Mùa lễ hội xuân Ất Mùi, Nam Định đã khởi động nghiên cứu bài bản, ghi hình toàn bộ diễn trình múa rối hầu thánh chùa Bi. Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Thư - người đang trực tiếp chỉ đạo làm hồ sơ múa rối hầu thánh chùa Bi, khối lượng di sản văn hóa phi vật thể của Nam Định còn nhiều, nhưng năm 2015 tỉnh ưu tiên làm hồ sơ nghệ thuật múa rối đầu gỗ của chùa Bi. Bởi nếu không lập hồ sơ để sớm đưa ra chương trình hành động bảo tồn thì e rằng loại hình nghệ thuật này sẽ bị mai một.
Hiện nay phường rối chùa Bi có gần 40 người, phần lớn đều cao tuổi, trẻ nhất cũng đã 40 tuổi. Càng cao tuổi càng khó hát, múa. Chánh trùm phường rối chùa Bi Vũ Huy Rính 82 tuổi cho biết, 2 năm gần đây nhiều người trẻ xin tham gia phường rối, nhưng múa rối hầu thánh có những bài văn khó hiểu, không dễ truyền dạy trong một sớm một chiều. Việc học phải diễn ra thường xuyên chứ không chỉ vài ba buổi tập trước hội diễn. Có người tuy đã sinh hoạt trong phường rối hàng chục năm nhưng vẫn không hát, không múa được. Năm 2014, ông Đoàn Hữu Sòng, một trong những người nắm rất nhiều bài hát rối lời cổ đã qua đời khi chưa kịp truyền dạy khiến những người quan tâm đến loại hình nghệ thuật dân gian này càng lo lắng.
Qua tư liệu có thể khẳng định, múa rối hầu thánh chùa Bi do cộng đồng địa phương sáng tạo, gắn với cộng đồng và không gian thiêng này; luôn được trao truyền, gìn giữ một cách hệ thống, liền mạch và tương đối đầy đủ nghi thức. Đây là điểm thuận lợi trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản. Đặc biệt, việc thành lập phường rối cho thấy ý thức của cộng đồng địa phương trong gìn giữ, truyền dạy di sản cho thế hệ sau. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là địa phương chưa tìm được kinh phí để xây dựng hồ sơ di sản. “Cách đây 3 năm, chúng tôi đã nghiên cứu về di sản này, sưu tầm các bài văn chầu, nghi lễ trong biểu diễn hầu thánh, đạo cụ, quá trình bảo vệ các Thánh tượng, tính thiêng của nó, phỏng vấn các cụ trong phường rối... Nếu thuận lợi, trong năm 2015 sẽ hoàn thành hồ sơ đề nghị đưa múa rối hầu thánh chùa Bi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quá trình tập hợp, nghiên cứu một cách khoa học toàn bộ di sản này không chỉ để khẳng định giá trị của di sản và vinh danh nó, mà còn xây dựng tư liệu khoa học chính thống để bảo vệ, trao truyền di sản tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Thư cho biết.
Nguồn: ĐBND
Bài viết khác
Công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024
16/12/2024 - 09:21
Thực hiện Quyết định số 2748/QĐ-BVHTTDL ngày 20.9.2024 của Bộ trưởng Bộ VHTTDLvề việc tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024, Báo Văn Hóa đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bình chọn 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2024 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ… thuộc Bộ VHTTDL và gần 70 nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đến từ hơn 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
15/12/2024 - 21:29
Tối 14/12, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị (thành phố Đông Hà), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024. Ngày hội quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia gồm: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
“Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”
13/12/2024 - 10:09
Chiều 12.12.2024, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20.12.1924 – 20.12.2024).
Mây & nước - Bản giao hưởng chào Xuân” trên thành phố Hoa
08/12/2024 - 10:28
Trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024, tối 7.12, tại Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề "Mây & nước - Bản giao hưởng chào Xuân" do Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Đêm tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)
01/12/2024 - 01:52
Tối ngày 30/11, tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1) đã chính thức khép lại bằng một Lễ Bế mạc đầy cảm xúc và ấn tượng, đây là sự kiện đánh dấu thành công rực rỡ của chuỗi hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp quy mô toàn quốc.
Thầm lặng sau màn nhung sân khấu tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)
26/11/2024 - 13:38
Đằng sau sự thành công của mỗi đêm diễn là sự hỗ trợ nhiệt thành từ Ban Tổ chức, với việc bố trí, sắp xếp lịch hợp luyện sâu khấu của 13 đơn vị tham gia liên hoan một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, từng nội dung diễn thi cùng sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả là nguồn cảm hứng bất tận đã góp phần quan trọng để nửa chặng đường liên hoan diễn ra suôn sẻ.