Hát Then và đàn tính chuẩn bị “vượt núi” ra thế giới

29/09/2015 - 16:50  

(NTBD) – Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông qua kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái” đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Then và đàn tính chuẩn bị vượt vùng núi cao phía bắc để từng bước ra với thế giới. Sức lan tỏa trong cộng đồng

Hát Then và đàn tính không thể thiếu trong sinh hoạt văn nghệ
của người dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Thái.

Then vừa là một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh vừa là một loại hình âm nhạc dân gian rất đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Qua lễ hát Then cổ truyền có thể thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Từ những quan niệm Mường Trời, nơi cư ngụ của các thần linh; Mường Đất, nơi cư ngụ của con người; Mường nước, nơi cư ngụ của Long Vương, Then đã đưa con người tìm một chỗ dựa về tinh thần để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trước đây, trong các nghi lễ tâm linh, Then chỉ được diễn xướng bởi một người là ông Then hoặc bà Then, những người đồng thời cũng là thày cúng. Họ cùng một lúc phải làm mọi việc: tay đệm đàn, miệng hát, chân xóc nhạc lại còn phải múa, diễn trò minh họa cho bài hát như cưỡi ngựa, phất quạt, động tác chèo thuyền vượt biển... Họ là những nghệ nhân của tổng hợp các loại hình diễn xướng dân gian điêu luyện và sáng tạo.
PGS,TS Nguyễn Bình Định nhận xét: “Sinh hoạt Then được đồng bào Tày, Nùng, Thái quý trọng, trao truyền qua nhiều thế hệ. Giá trị của Then tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có ngôn ngữ, văn học, thơ ca dân gian, phong tục tập quán, y phục, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn âm nhạc, múa dân gian... Chính vì thế di sản văn hóa này rất xứng đáng và rất cần được tôn vinh, bảo vệ”. Có thể nói, hát Then là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Lời của Then thường lấy từ các thể thơ dân tộc mang nhiều chất văn học được trau chuốt qua thời gian. Âm nhạc là yếu tố xuyên suốt một cuộc Then với những làn điệu dân ca, dân nhạc cổ phong phú của các dân tộc. Then ở mỗi địa phương có màu sắc âm nhạc khác nhau, tiết tấu âm nhạc cũng đa dạng. Nhạc cụ chủ yếu là tính tẩu (đàn tính), hộp đàn bằng nửa quả bầu khô, dây đàn se bằng tơ tằm vuốt sáp ong cùng với chùm nhạc xóc bảo đảm nhịp hát và múa. GS,TSKH Tô Ngọc Thanh nhận định: “Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, miêu tả, vừa gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống ông cha”.
Then đã gắn bó rất lâu đời với đồng bào Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc: Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang đến nay đã lan tỏa đến tận Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh theo quá trình giao lưu, định cư của đồng bào. Điều này cho thấy sức sống của Then trong cuộc sống hôm nay. Do yêu thích âm nhạc Then, người ta đã sử dụng một số làn điệu phổ biến rồi đưa lời ca, nội dung các ca khúc để mọi người đều có thể hát ở mọi lúc mọi nơi, vượt ra khỏi yếu tố sinh hoạt tín ngưỡng. Đã xuất hiện và tồn tại từ lâu nay nghệ thuật hát Then - đàn Tính, một loại hình văn nghệ quần chúng rất phổ biến được nhiều người yêu thích, trong đó có lớp trẻ. Các cuộc liên hoan hát Then - đàn Tính toàn quốc đã thu hút nhiều đội văn nghệ quần chúng tham gia với đa dạng giai điệu: Then Cao Bằng dìu dặt, da diết, Then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng, Then Tuyên Quang thúc giục lòng người, Then Hà Giang nhấn nhá, thẩn thơ...Then tiếp tục “sống” với nội dung phản ánh những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.
Nỗ lực bảo tồn và phát huy
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái đang trở nên cấp thiết với việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo triển khai lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. TS Lê Thị Bích Hồng khi nghiên cứu về loại hình diễn xướng này đã cho rằng: “Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một về nghệ nhân, rơi rớt về các làn điệu, mất mát về phong tục tập quán, dần dà thui chột bản sắc văn hóa độc đáo do thiếu người kế cận. Việc sưu tầm, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau “báu vật” hát Then là việc làm cấp thiết. Vấn đề là bảo tồn hát Then như thế nào để không mất đi bản sắc mà vẫn phù hợp xã hội hiện đại, bảo tồn và phát huy được không gian diễn xướng hát Then... đang là vấn đề đặt ra từng ngày từng giờ”.
Để gìn giữ những giá trị của nghệ thuật Then như “tài sản quốc gia”, trước hết các địa phương có nguồn Then cần gấp rút và liên tục sưu tầm bằng được nguyên vẹn và đầy đủ các nghi lễ, nghi thức hát Then. Tiến tới phục dựng toàn bộ và dùng các chương trình giảng dạy trong các trường nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Bắc, Tây Bắc. Việc xây dựng hồ sơ nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị của di sản Then tới bạn bè quốc tế là dịp để cộng đồng các địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy di sản. Các địa phương cần thu thập tài liệu, tổ chức ghi hình, thu thanh, dịch thuật, tập hợp tài liệu in băng đĩa, xuất bản sách... Đây không phải là công việc trước mắt, đột xuất mà là công việc lâu dài và thường xuyên.
Điều quan trọng là cần có cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi, tôn vinh nghệ nhân, người có công lưu giữ, truyền dạy Then. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Hoàng Văn Kiên kiến nghị cần dành một phần kinh phí thỏa đáng, hỗ trợ hoạt động của các nghệ nhân để họ truyền dạy làn điệu Then cho thế hệ trẻ và đào tạo người kế nghiệp. Đồng thời, hằng năm cần tổ chức hội nghị tôn vinh các nghệ nhân, những người có tinh thần nhiệt huyết gìn giữ Then cổ.
Cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then trước hết và tốt nhất là việc tự giữ gìn, phát huy trong cộng đồng mỗi dân tộc. Nhiều địa phương đã thành lập câu lạc bộ hát Then. Cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống, hát Then nên được đưa vào các chương trình phục vụ du lịch để khai thác, hỗ trợ bảo tồn, đồng thời tạo điều kiện để Then “được sống” trong không gian cộng đồng.

Nguồn: ND

Bài viết khác

NSND Xuân Bắc nhận thêm nhiệm vụ mới

27/06/2025 - 07:12

NSND Xuân Bắc có tên trong danh sách 32 đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2025-2030.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Lan tỏa tinh thần đổi mới, khát vọng phát triển

27/06/2025 - 06:55

"Khi lắng nghe bài phát biểu sâu sắc và truyền cảm hứng của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là cụm từ 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' trong tôi như có luồng sinh khí mới. Từ cảm xúc ấy tôi viết lên giai điệu và ca từ của tác phẩm Vươn mình - Kỷ nguyên mới” - tác giả Trịnh Minh Ước chia sẻ về ca khúc đạt giải C Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tri ân sâu sắc lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng

22/06/2025 - 22:06

Sáng ngày 22/6, trong không gian ấm cúng, trang trọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình “Gặp mặt những người làm Báo gắn bó với Nghệ thuật biểu diễn và Văn học” - Hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt nhằm tri ân lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng, khán giả nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)

Tỏa sáng tài năng trẻ cùng những kiệt tác kinh điển trong đêm hòa nhạc đặc biệt “Chopin - Rimsky - Korsakov”

22/06/2025 - 21:04

Tối 21/6, tại Nhà hát Hồ Gươm - một không gian sang trọng và giàu giá trị nghệ thuật - Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trình diễn đêm nhạc đặc biệt Chopin - Rimsky - Korsakov, quy tụ những kiệt tác bất hủ của âm nhạc cổ điển thế giới cùng sự góp mặt đáng mong đợi của hai tài năng piano trẻ xuất sắc: Nguyễn Đức Kiên và Lưu Danh Khôi.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng hoa Chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

17/06/2025 - 16:25

Chiều ngày 16/6, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thay mặt Lãnh đạo Cục NTBD tặng hoa chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam -TS. NSND Đỗ Quốc Hưng.

Bầu Bí thư, Phó Bí thư trực tiếp tại Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn với kết quả tuyệt đối

10/06/2025 - 23:01

Sáng ngày 10/6, Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2025 – 2030 đã được tổ chức trọng thể, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong nhiệm kỳ tới với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò trong công tác tham mưu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học trong thời gian tới.