Bến Tre với công tác bảo tồn và phát huy nhạc lễ

12/08/2014 - 16:42  

(NTBD) - Thời gian qua, tỉnh Bến Tre nói chung, ngành văn hóa nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy nhạc lễ.

Liên hoan Nhạc lễ Người cao tuổi tỉnh Bến Tre.

(NTBD) - Thời gian qua, tỉnh Bến Tre nói chung, ngành văn hóa nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy nhạc lễ.
Nhạc lễ Nam bộ là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo các nghệ nhân, nhạc lễ không chỉ là lễ nghi của con người đối với thần thánh, trời đất mà còn là tình cảm của người hiện hữu với nhau, là lòng tri ân của người đương thời đối với người đã khuất.
Đôi nét về nhạc lễ Bến Tre
Trong giới nhạc lễ Bến Tre lưu truyền 2 câu thơ: “Bến Tre có bốn đồng đen/ Độ cò, Hậu trống, Sa kèn, mõ Công”. Bốn vị nhạc công đầy tài nghệ này được giới cổ nhạc trong tỉnh tôn làm bậc thầy. Theo tài liệu Nhạc lễ tỉnh Bến Tre (do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch biên soạn năm 2013), ngày xưa, nhạc lễ thường được sử dụng trong các nghi thức quan - hôn - tang - tế, do đó, bất cứ nghi lễ nào cũng cần phải có nhạc, không có nhạc sẽ không thành lễ.
Ngày nay, nhạc lễ chỉ còn xuất hiện trong những dịp cúng bái, tế lễ ở đình, miễu, chùa chiền, thánh thất và trong đám tang. Tuy có sự thu hẹp nhưng dòng nhạc dân gian đặc sắc này vẫn còn vai trò rất quan trọng trong tín ngưỡng của người Nam bộ nói chung, Bến Tre nói riêng.
Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 87 ban nhạc lễ với 312 nhạc công (hay còn gọi là nghệ nhân); một số đơn vị có nhiều ban nhạc và nhạc công như: TP. Bến Tre, huyện Châu Thành, Ba Tri. Các ban nhạc có sự hỗ trợ, liên kết nhau trong hoạt động. Trong đội ngũ nhạc công, có cả nhạc công tuổi cao và tuổi trẻ, đặc biệt, rất nhiều nhạc công có thể sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau trong nhạc lễ.  
Theo nghiên cứu của giới nhạc công, hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội nên số bài bản nhạc lễ được diễn tấu so với giai đoạn trước đã giản lược bớt. Bên cạnh đó, có nhiều ban nhạc lễ do chạy theo thị hiếu nên đã sử dụng tân nhạc trong phục vụ tang lễ. Điều này sẽ làm cho tính tôn nghiêm trong nghi thức lễ bái dân tộc bị suy giảm, loại hình nhạc lễ truyền thống sẽ bị mai một. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều tỉnh thành.
Đối với Bến Tre, điều đáng mừng là tỷ lệ nhạc công có tuổi đời trẻ chiếm khá cao (tức là đã có đội ngũ kế thừa). Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát triển nhưng chất lượng nghệ thuật diễn tấu của các ban nhạc lễ truyền thống Bến Tre không ngừng hoàn thiện, nhiều nhạc công rất tâm huyết với việc duy trì nhạc lễ truyền thống, đặc biệt, hoạt động nhạc lễ luôn được quan tâm của ngành văn hóa tỉnh nhà.
Bến Tre tổ chức nhiều hoạt động duy trì loại hình nhạc lễ
Bên cạnh việc đồng thuận với các hoạt động sử dụng nhạc lễ (có sự quản lý theo quy định chung) trong cúng bái, tế lễ ở hộ gia đình và các địa phương, ngành văn hóa của tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật nhạc lễ.
Nhạc công Minh Lời cho biết, không phải chỉ bây giờ mà từ nhiều năm trước, ngành văn hóa Bến Tre cũng đã thể hiện sự quan tâm với các hoạt động nhạc lễ. Cụ thể như vào năm 1980, Bến Tre đã hỗ trợ, tạo điều kiện đưa một ban nhạc lể trong tỉnh đi tham dự Hội diễn văn nghệ quần chúng tại Cần Thơ và ban nhạc này đã đạt một huy chương vàng. 

Liên hoan Nhạc lễ tỉnh Bến Tre lần thứ 9.

Nhiều năm tiếp theo, ngành văn hóa tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để các ban nhạc lễ tham dự hội diễn, liên hoan ngoài tỉnh. Trong tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã nhiều lần tổ chức Liên hoan nhạc lễ với sự tham dự của nhiều ban nhạc lễ ở các đơn vị huyện, thành phố nhân kỷ niệm lễ hội văn hóa 1 tháng 7, kỷ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Và 2 năm một lần, Nhà Văn hóa Người cao tuổi đã duy trì việc tổ chức Liên hoan nhạc lễ. Tính đến năm 2014, đơn vị này đã tổ chức được 10 lần liên hoan.
Tháng 11/2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị trao đổi giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nhạc lễ trong tỉnh, có sự tham gia của cán bộ quản lý văn hóa cấp tỉnh và các huyện, thành phố, Hội Di sản Văn hóa tỉnh và đông đảo nghệ nhân nhạc lễ. Và mới đây, trong tháng 7/2014, Sở đã tổ chức lớp tập huấn nhạc lễ tại trường Trung cấp Văn hóa  - Nghệ thuật của tỉnh (có hơn 100 học viên là cán bộ quản lý văn hóa xã, phường và các nhạc công nhạc lễ).
Còn nhiều trăn trở
Hiện nay, trong sự phong phú, đa dạng của các loại hình âm nhạc “cả tây và ta” thì loại hình nhạc lễ đã có phần bị thu hẹp lại, dù ở góc độ nào đó, loại hình này vẫn không thể thiếu trong đời sống hướng về tâm linh của người Nam bộ nói chung, Bến Tre nói riêng. Như đã nói ở trên, một số ban nhạc lễ đã có hiện tượng cách tân nhạc lễ truyền thống theo thị hiếu (nhất là phục vụ tang lễ) làm cho nhạc lễ dần mất đi vai trò chính trong lễ cúng. Vấn đề truyền nghề, phần lớn là dạng gia đình, dòng họ theo nghề mà rất ít người mới tìm học, một số người có sở thích nhưng không có năng khiếu nên dễ nản, bỏ cuộc.
Có thể nói, mặc dù nhạc lễ chỉ là một phần trong các loại hình âm nhạc truyền thống quê hương nhưng không thể vì thế mà loại hình này không được chú trọng hoặc bỏ qua. Cả nước vẫn đang tiếp tục ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương V (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian qua, những tác động tích cực từ Nghị quyết nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển như hiện nay.


Nguồn: bentre.gov.vn

Bài viết khác

NSND Xuân Bắc nhận thêm nhiệm vụ mới

27/06/2025 - 07:12

NSND Xuân Bắc có tên trong danh sách 32 đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2025-2030.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Lan tỏa tinh thần đổi mới, khát vọng phát triển

27/06/2025 - 06:55

"Khi lắng nghe bài phát biểu sâu sắc và truyền cảm hứng của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là cụm từ 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' trong tôi như có luồng sinh khí mới. Từ cảm xúc ấy tôi viết lên giai điệu và ca từ của tác phẩm Vươn mình - Kỷ nguyên mới” - tác giả Trịnh Minh Ước chia sẻ về ca khúc đạt giải C Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tri ân sâu sắc lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng

22/06/2025 - 22:06

Sáng ngày 22/6, trong không gian ấm cúng, trang trọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình “Gặp mặt những người làm Báo gắn bó với Nghệ thuật biểu diễn và Văn học” - Hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt nhằm tri ân lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng, khán giả nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)

Tỏa sáng tài năng trẻ cùng những kiệt tác kinh điển trong đêm hòa nhạc đặc biệt “Chopin - Rimsky - Korsakov”

22/06/2025 - 21:04

Tối 21/6, tại Nhà hát Hồ Gươm - một không gian sang trọng và giàu giá trị nghệ thuật - Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trình diễn đêm nhạc đặc biệt Chopin - Rimsky - Korsakov, quy tụ những kiệt tác bất hủ của âm nhạc cổ điển thế giới cùng sự góp mặt đáng mong đợi của hai tài năng piano trẻ xuất sắc: Nguyễn Đức Kiên và Lưu Danh Khôi.

Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng hoa Chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

17/06/2025 - 16:25

Chiều ngày 16/6, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thay mặt Lãnh đạo Cục NTBD tặng hoa chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam -TS. NSND Đỗ Quốc Hưng.

Bầu Bí thư, Phó Bí thư trực tiếp tại Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn với kết quả tuyệt đối

10/06/2025 - 23:01

Sáng ngày 10/6, Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2025 – 2030 đã được tổ chức trọng thể, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong nhiệm kỳ tới với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò trong công tác tham mưu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học trong thời gian tới.