Bạc Liêu: Chung tay bảo tồn làn điệu Nói thơ - Di sản âm nhạc dân gian độc đáo

17/03/2015 - 13:58  

(NTBD) - Nghiên cứu âm nhạc dân gian ở Bạc Liêu, không thể không nghiên cứu làn điệu Nói thơ. Đây là thể loại âm nhạc dân gian đặc sắc được chính người dân ở đây sáng tạo, trao truyền cho các thế hệ người dân địa phương, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào ở đây.

 

Nói thơ là một thể loại âm nhạc dân gian cổ truyền ra đời muộn, khoảng từ những năm 1946 - 1948 trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp, nhằm mục đích tuyên truyền kháng chiến. Những năm 1946, khi những bài vọng cổ thường mang nội dung ai oán, ít khi thể hiện được tinh thần kêu gọi người dân xuống đường tham gia kháng chiến thì Nói thơ đã thay thế để Nói những bài thơ mang nội dung khẳng định quyết tâm đứng lên vì cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc.
Khác hẳn với thể loại ngâm thơ, Nói thơ Bạc Liêu có nhịp điệu và cấu trúc âm nhạc rất rõ ràng. Vì vậy, có thể nói, mặc dù mang tên gọi là Nói thơ nhưng trên thực tế, về mặt âm nhạc học, thể loại này cần được nhìn nhận với tư cách là một thể loại âm nhạc dân gian độc đáo. Các bài Nói thơ Bạc Liêu hầu hết phản ánh tinh thần yêu nước, lên án hành động dã man của giặc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, động viên đồng bào chiến sỹ vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Chính vì nội dung gần gũi, thiết thực nên Nói thơ Bạc Liêu tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
Xếp Nói thơ vào thể loại âm nhạc truyền thống là bởi vì sự ra đời của nó do chính người dân bổ sung, sáng tạo trên cơ sở ngôn ngữ âm nhạc truyền thống vốn có từ trước ở địa phương. Chính vì thế, mặc dù mang một sắc thái tương đối riêng nhưng Nói thơ là một di sản âm nhạc truyền thống địa phương. Nói thơ chỉ thể hiện hình thức đơn, không như các hình thức đối đáp - giao duyên, hay các hình thức diễn xướng dân ca tập thể khác. Tuy nhiên, là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, được người dân sáng tạo tập thể nên Nói thơ cũng như các hình thức âm nhạc dân gian khác thường được diễn xướng trong cộng đồng.
Hiện không có tư liệu chính xác thể loại này xuất hiện đầu tiên ở tỉnh nào của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo cụ Phạm Thu Huê, một nhân chứng sống lịch sử, đồng thời là một nghệ nhân còn thực hành tốt thể loại này cho biết, Nói thơ ra đời ở Bạc Liêu và lan tỏa ra các vùng khác như Kiên Giang, Cần Thơ, thậm chí vượt lên tận miền Đông theo chân các chiến sỹ đi khắp các chiến trường Nam bộ. Có thể nói rằng, Nói thơ Bạc Liêu là một hệ giá trị cần được tôn vinh, bảo tồn và phát huy trong bối cảnh hiện nay.
Ngày nay, Nói thơ đã bị mai một, môi trường ca diễn hầu như không còn trên thực tế, hình thức tập hợp quần chúng để cổ động như thời kỳ chiến tranh không còn thích hợp nữa. Trong những di sản tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu, Nói thơ được xem là di sản đang trong tình trạng mai một, thất truyền, cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tìm hướng bảo tồn thích hợp
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đánh giá cao giá trị của Nói thơ Bạc Liêu. Nhiều người xem đây là làn điệu dân ca trẻ nhất của Việt Nam, có quá trình hình thành và phát triển chỉ hơn nửa thế kỷ. Theo ông Đặng Bá Oánh, Chủ nhiệm Dự án sưu tầm, bảo tồn và đưa Nói thơ vào phục vụ du lịch, Viện Âm nhạc, Nói thơ Bạc Liêu đạt được các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Nhận thấy vị trí và vai trò quan trọng của Nói thơ Bạc Liêu, Viện Âm nhạc đã phối hợp với Sở Văn hóa, TT và DL Bạc Liêu tiến hành nghiên cứu, sưu tầm loại hình nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc trên. Nằm trong chương trình Đề án Xúc tiến du lịch quốc gia năm 2014 tại Viện Âm nhạc, công trình nghiên cứu này sẽ cung cấp thêm những tư liệu khoa học xác thực chứng minh và làm rõ thêm những giá trị của di sản trên các phương diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cũng như sức sống, sự ảnh hưởng và lan tỏa của nó tới đời sống cộng đồng địa phương.
Viện Âm nhạc đã tiến hành khảo sát, điền dã, phỏng vấn và xây dựng kịch bản thực hiện dự án sưu tầm, nghiên cứu Điệu nói thơ nhằm bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ và quảng bá tới khách tham quan du lịch về giá trị của loại hình diễn xướng dân gian văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chọn lựa những tiết mục tiêu biểu, đặc sắc xây dựng thành chương trình biểu diễn phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Hoạt động này góp phần tích cực vào việc bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống quý hiếm có nguy cơ mai một, đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm nhằm bảo tồn, gìn giữ trong kho tàng âm nhạc dân gian nước nhà.
Đây được xem là cơ hội để Bạc Liêu ghi thêm di sản văn hóa mới vào danh sách di sản phi vật thể quốc gia. Khi dự án này hoàn thành, Viện Âm nhạc sẽ giúp Bạc Liêu có những định hướng thích hợp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của địa phương. Qua đó, quảng bá rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế những giá trị tinh hoa vô giá mà cha ông đã để lại, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù hiện nay đã bị mai một nhưng nếu có cơ chế thích hợp, chắc chắn Điệu nói thơ Bạc Liêu sẽ được dân gian tiếp tục nuôi dưỡng và tự cách tân đổi mới để tồn tại và phát triển.


Nguồn: ĐBND
 

Bài viết khác

Công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024

16/12/2024 - 09:21

Thực hiện Quyết định số 2748/QĐ-BVHTTDL ngày 20.9.2024 của Bộ trưởng Bộ VHTTDLvề việc tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024, Báo Văn Hóa đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bình chọn 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2024 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ… thuộc Bộ VHTTDL và gần 70 nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đến từ hơn 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024

15/12/2024 - 21:29

Tối 14/12, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị (thành phố Đông Hà), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024. Ngày hội quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia gồm: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.

“Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”

13/12/2024 - 10:09

Chiều 12.12.2024, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20.12.1924 – 20.12.2024).

Mây & nước - Bản giao hưởng chào Xuân” trên thành phố Hoa

08/12/2024 - 10:28

Trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024, tối 7.12, tại Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề "Mây & nước - Bản giao hưởng chào Xuân" do Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Đêm tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)

01/12/2024 - 01:52

Tối ngày 30/11, tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1) đã chính thức khép lại bằng một Lễ Bế mạc đầy cảm xúc và ấn tượng, đây là sự kiện đánh dấu thành công rực rỡ của chuỗi hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp quy mô toàn quốc.

Thầm lặng sau màn nhung sân khấu tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1)

26/11/2024 - 13:38

Đằng sau sự thành công của mỗi đêm diễn là sự hỗ trợ nhiệt thành từ Ban Tổ chức, với việc bố trí, sắp xếp lịch hợp luyện sâu khấu của 13 đơn vị tham gia liên hoan một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, từng nội dung diễn thi cùng sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả là nguồn cảm hứng bất tận đã góp phần quan trọng để nửa chặng đường liên hoan diễn ra suôn sẻ.